PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh trong tháng 9 và tiếp tục cho thấy áp lực giảm trong những phiên đầu tháng 10. Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường trong giai đoạn này? Đâu là nguyên nhân khiến thị trường trong nước giảm mạnh như vậy, thưa ông?

Thị trường chứng khoán: Khi rủi ro về mức trung tính, dòng tiền có thể quay trở lại tìm cơ hội
Ông Phạm Văn Tuấn

Ông Phạm Văn Tuấn: Trong tháng 9 vừa qua, thị trường đã ghi nhận mức giảm khoảng 12% so với tháng 8 và bước sang đầu tháng 10, thị trường lại tiếp tục giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản.

Tôi cho rằng, nhà đầu tư đang lo ngại trước những thông tin kém lạc quan về tình hình vĩ mô trên toàn thế giới. Các ngân hàng trung ương tăng lãi suất khiến cho triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn; đồng thời, tình hình căng thẳng địa chính trị cũng góp phần làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán.

Còn đối với tình hình trong nước, động thái tăng lãi suất điều hành cùng với đó là hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng vừa qua đã tác động mạnh lên thị trường chứng khoán.

PV: Điểm số đã giảm sâu, mặt bằng giá nhiều cổ phiếu tốt đã về mức rất thấp, nếu trong trường hợp rủi ro về mức trung tính, thì theo ông liệu dòng tiền có vào lại hay không? Vì sao?

Ông Phạm Văn Tuấn: Như chúng ta cũng đã thấy, trong giai đoạn thị trường chứng khoán giảm sâu vừa qua đã kéo mặt bằng định giá của tất cả các nhóm cổ phiếu đi xuống. Theo dữ liệu của Fiinpro, mức P/E trượt 12 tháng của thị trường đã rơi về vùng khoảng 11,5 lần - đây là mức định giá thấp chỉ sau giai đoạn đáy dịch bệnh Covid-19 (10,9 lần) và giai đoạn năm 2008 (8,9 lần).

Tôi cho rằng, với mức định giá đã kể trên, thị trường chứng khoán đang cho thấy sức hấp dẫn đáng kể và cơ hội đầu tư đã xuất hiện ở nhiều nhóm ngành. Do đó, trong trường hợp rủi ro về mức trung tính, dòng tiền có thể quay trở lại và tìm kiếm cơ hội.

Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, do thanh khoản đang có phần bị hạn chế, dòng tiền lớn có thể chưa ngay lập tức tham gia trở lại thị trường.

Việc thị trường chứng khoán giảm sâu đã tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn nhóm cổ phiếu tiềm năng.
Việc thị trường chứng khoán giảm sâu đã tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn nhóm cổ phiếu tiềm năng.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được hỗ trợ tích cực trung với các yếu tố kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp. Theo ông, liệu những yếu tố nội tại đó có đủ sức giúp thị trường hồi lại trong giai đoạn cuối năm không? Theo phân tích của ông, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm nay sẽ thế nào và lợi nhuận doanh nghiệp liệu có ảnh hưởng khi chi phí vốn đang đắt đỏ hơn?

Ông Phạm Văn Tuấn: Tôi cho rằng, các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang duy trì hết sức ổn định với CPI sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4% trong khi tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 7%. Mặc dù tiền Đồng có mất giá khoảng 5% so với USD, tuy nhiên vẫn đang là đồng tiền có diễn biến lạc quan nhất nếu so với các quốc gia khác hiện đã mất giá khoảng 10% - 20%.

Dựa vào những yếu tố vĩ mô đó cùng với tăng trưởng lợi nhuận ở nhiều doanh nghiệp vẫn được duy trì, thị trường chứng khoán vẫn sẽ có thể có cơ hội hồi phục trở lại.

Về vấn đề chi phí vốn, với mức tăng khoảng 1% theo đà tăng của lãi suất điều hành từ định hướng của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp có thể sẽ gặp đôi chút khó khăn từ việc chi phí đi vay bị đẩy lên. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh và phát ra thông điệp rằng sẽ duy trì ổn định lãi suất cho vay ở nhóm ngành được ưu tiên nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển, phục hồi nền kinh tế.

Trong khi đó, các khoản vay mang tính rủi ro và mang tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản sẽ chịu nhiều áp lực hơn.

Thị trường chịu tác động lớn từ tăng lãi suất

Tháng 9 là tháng giảm điểm mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ tháng 4/2020 đến nay. Lực bán chủ yếu diễn ra trong giai đoạn cuối tháng trước áp lực tăng lãi suất của FED và lo ngại kinh tế thế giới suy thoái. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 phá vỡ đáy tháng 6 và về mức thấp ở tháng 11/2020. Tại Việt Nam, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động theo sau động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và tỷ giá USD/VND vọt tăng là hai yếu tố chính gây khó cho thị trường chứng khoán trong tháng vừa qua.

PV: Nhìn ở góc độ dài hơi hơn, theo ông đã nên cân nhắc việc lựa chọn danh mục cho nửa đầu năm 2023 hay chưa? Nếu là ông thì ông chọn nhóm ngành nào? Vì sao?

Ông Phạm Văn Tuấn: Như tôi đã đề cập ở trên, việc thị trường chứng khoán giảm sâu đã tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn nhóm cổ phiếu duy trì tiềm năng tăng trưởng dài hạn với định giá hấp dẫn.

Trên quan điểm của tôi, với việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, nhóm cổ phiếu xây dựng, hạ tầng có thể sẽ là nhóm hưởng lợi chính, ngoài ra các doanh nghiệp có khả năng thu hút FDI nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng như nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng là một điểm nhấn đáng chú ý.

Thêm vào đó, các cổ phiếu ngân hàng với tiềm năng tăng trưởng về lợi nhuận khoảng 20%/năm vẫn luôn là một nhóm ngành đáng để chú ý và quan sát trong giai đoạn hiện tại.

PV: Xin cảm ơn ông!