Thị trường chứng khoán và tiền tệ năm 2024 bị chia rẽ bởi lãi suất và suy thoái kinh tế Mỹ
Ảnh: Reuters/Lucas Jackson

Triển vọng kinh tế Mỹ sẽ chi phối thị trường

Sự thiếu đồng thuận giữa các nhà phân tích và dự báo hoàn toàn trái ngược với một năm trước, khi hầu hết dự đoán về một cuộc suy thoái ở Mỹ và việc cắt giảm lãi suất nhanh chóng đều không thành hiện thực. Nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tăng trưởng 5,2% trong quý 3 năm nay.

Năm nay, các tổ chức đã đưa ra một loạt các dự báo về lộ trình lãi suất của nước Mỹ và hiệu quả hoạt động của các tài sản toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi các hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Lãi suất chính sách hiện tại của Mỹ ở mức 5,25%-5,50%, cao nhất trong 22 năm. Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch đang dự đoán FED sẽ giảm lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản vào đầu tháng 3/2024 .

Hiện giới đầu tư đang xem xét kế hoạch lãi suất của FED ra sao tại cuộc họp tiếp theo và là cuộc cuối cùng trong năm vào ngày 13/12. Hầu hết những người tham gia thị trường đều mong đợi ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất.

Do đó, những người tham gia thị trường đang chuẩn bị cho một khởi đầu gập ghềnh cho năm mới sau đợt tăng mạnh vào tháng trước đối với cả cổ phiếu và trái phiếu, trên cơ sở niềm tin về lạm phát và lãi suất đang trên đà đi xuống.

Sonja Laud - giám đốc đầu tư của Legal & General Investment Management, cho biết: “Việc nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm sẽ chi phối thị trường”. Tuy nhiên theo bà: “Câu chuyện vẫn chưa rõ ràng”, đồng thời lưu ý rằng nếu dự báo lãi suất hiện tại “thay đổi đáng kể sẽ tạo ra sự biến động đáng kể”.

Dữ liệu giao dịch quyền chọn cho thấy, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ danh mục đầu tư của họ khỏi sự biến động tăng cao của thị trường chứng khoán sắp tới.

Quan điểm trái chiều

Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán mức tăng trưởng GDP trung bình của Mỹ vào năm 2024 là 1,2%. Tuy nhiên trong khi các nhà dự báo đều thống nhất rằng, chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ của FED sẽ chậm lại, họ vẫn chia rẽ về việc liệu năm 2024 có bao gồm một vài quý suy thoái kinh tế thúc đẩy FED cắt giảm lãi suất và làm suy yếu đồng Đô la hay không?

Amundi - nhà quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, hiện dự đoán kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào nửa đầu năm 2024, có nghĩa là nhóm này có quan điểm tiêu cực về đồng Đô la và thích các tài sản ở thị trường mới nổi.

Về ngoại hối, đồng Yên Nhật Bản sẽ là điểm sáng của thị trường khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ từ bỏ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng, Amundi CIO Vincent Mortier cho biết. Đồng Yên đang giao dịch quanh mức 147 Yên đổi 1 Đô la, không quá xa mức thấp nhất trong 30 năm.

Tuy nhiên, Morgan Stanley nhận thấy không có suy thoái kinh tế và cho rằng FED có thể giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới. Ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ cho rằng, chỉ số đồng Đô la tăng lên 111 điểm từ mức 104 hiện tại, đồng Euro giảm xuống 1 Đô la và đồng Yên chỉ phục hồi ở mức vừa phải là 142 mỗi Đô la.

Thị trường chứng khoán và tiền tệ năm 2024 bị chia rẽ bởi lãi suất và suy thoái kinh tế Mỹ
Nhà đầu tư đã đổ tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ vì tin lãi suất của FED đã đạt đỉnh.

Cổ phiếu sẽ tăng hay giảm?

Đối với chứng khoán Mỹ, vốn thúc đẩy thị trường chứng khoán thế giới, các nhà dự báo bị chia rẽ giữa những gì mà người đứng đầu chiến lược giao dịch của Citi, Stuart Kaiser gọi là “những người cải đạo và trở thành môn đệ” của sự đồng thuận mạnh mẽ về suy thoái kinh tế năm ngoái. Kaiser nói: “Một nhà đầu tư vẫn rất tận tâm và tin rằng, nếu điều đó không xảy ra trong năm nay thì nó phải xảy ra vào năm sau”.

Deutsche Bank dự đoán kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ vào nửa đầu năm 2024 và mức cắt giảm lãi suất lên tới 175 điểm cơ bản, cùng với chi phí vay thấp hơn sẽ đẩy chỉ số cổ phiếu S&P 500 lên 5.100 điểm. S&P 500 đã tăng 19% trong năm nay, lên 4.567 điểm.

Theo nhà quản lý danh mục đầu tư Paul Gambles, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại MBMG Group, FED cần cắt giảm lãi suất ít nhất 5 lần trong năm tới để tránh khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

JP Morgan cho rằng, một cuộc suy thoái có thể xảy ra và S&P kết thúc năm ở mức 4.200, trong khi Goldman Sachs chỉ nhận thấy rủi ro suy thoái ở mức hạn chế.

Theo Viện Đầu tư Blackrock (BII), ước tính của các nhà phân tích cổ phiếu về lợi nhuận của S&P 500 hiện đang bị phân tán nhiều nhất kể từ đại dịch Covid-19.

Bà Sonja Laud cho biết, LGIM, công ty quản lý khoảng 1,5 nghìn tỷ USD tài sản, đang đánh giá thấp cổ phiếu và dự đoán kinh tế Mỹ sẽ suy thoái. Trong khi đó, một số nhà đầu tư đã vượt ra khỏi cuộc tranh luận về kinh tế Mỹ để tìm kiếm những cơ hội khác.

Luca Paolini - chiến lược gia trưởng tại Pictet Asset Management cho biết, cho biết mục tiêu lớn của công ty là thu lợi nhuận từ cổ phiếu châu Âu mà họ tin rằng đang bị định giá thấp.

Trái phiếu trở lại

Hầu hết các nhà dự báo kinh tế đều đồng ý rằng, cơn sốt lạm phát toàn cầu đã qua. Nhưng liệu điều này có đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ cắt giảm đáng kể, thường khiến giá trái phiếu tăng khi lợi suất giảm hay không, cũng không phải là điều mà các nhà đầu tư đồng thuận.

​Công ty trái phiếu khổng lồ PIMCO đặt khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ vào năm 2024 là 50% và khuyến nghị trái phiếu chính phủ hơn là cổ phiếu.

Các chiến lược gia về thu nhập cố định của HSBC đặt mục tiêu lợi suất 3% đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn vào cuối năm 2024, giảm so với mức khoảng 4,3% hiện nay.

​Tuy nhiên, Adrian Gray - giám đốc đầu tư toàn cầu tại Insight Investment Management, cho biết thị trường trái phiếu chính phủ đã biến động quá lớn.

“Chúng ta đang chứng kiến FED, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng trung ương Anh đều cắt giảm lãi suất từ khoảng quý 3 năm sau” - Gray nói, đồng thời nhấn mạnh: “Hiện tại, thị trường trái phiếu chính phủ đang định giá cao hơn thế và dự kiến lợi suất sẽ tăng “một chút” từ bây giờ”.