Nguồn: Tổng cuch Thuế. Đồ họa: Văn Chung |
Tạm hoãn xuất cảnh thu được 1.844 tỷ đồng nợ thuế
Trong 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về triển khai nhiệm vụ công tác quản lý nợ và các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng đang xúc tiến nghiên cứu, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý nợ, trong đó xây dựng trợ lý ảo, đến nay đã hoàn thành phân tích nghiệp vụ, đang kiểm thử 3/7 chức năng ứng dụng; thực hiện chức năng cưỡng chế tự động, hiện đang triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hải Dương. Đồng thời, thực hiện chức năng truyền nhận thông tin tự động với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, hiện đã thống nhất chủ trương, đang xây dựng chức năng gửi nhận.
Nghiên cứu kỹ để có giải pháp phù hợp Bộ Tài chính, cơ quan thuế sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, xin ý kiến của các đối tượng chịu tác động để đưa ra những giải pháp phù hợp. Trường hợp cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thể nộp thuế mà có thiện chí thì sẽ có giải pháp hỗ trợ. Cũng có thể sẽ đề xuất các mức nợ thuế cụ thể với từng trường hợp để áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. |
Ngoài ra, Tổng cục Thuế thực hiện chức năng truyền quyết định cưỡng chế tự động với các ngân hàng thương mại. Đến nay đã xây dựng quy trình xử lý nghiệp vụ gửi quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản bằng phương thức điện tử đến ngân hàng thương mại. Đồng thời, đang lấy ý kiến các ngân hàng đối với các bước gửi và nhận quyết định cưỡng chế giữa Tổng cục Thuế và ngân hàng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức các đoàn công tác rà soát tình hình nợ thuế, phân tích nợ sai, nợ ảo tại các cục thuế, trên cơ sở đó chỉ đạo các đơn vị phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng nợ sai, nợ ảo. Gần đây nhất, ngày 29/8/2024, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị công tác quản lý nợ với các cục thuế địa phương và ban hành văn bản về công tác quản lý nợ, thu hồi nợ thuế.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý nợ thuế, kết quả thu nợ 9 tháng đạt tốt với số nợ ước thu được 56.092 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023 thực hiện, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ được 52.408 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ được 3.684 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngành Thuế đẩy mạnh triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, thống kê từ năm 2023 đến tháng 9/2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh, với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng, trong đó có 12.449 người nộp thuế (NNT) bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 7.826 tỷ đồng. Kết quả thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh, trong đó có 820 NNT đang bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền là 53 tỷ đồng.
Gần 8.000 trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh còn nợ thuế
Lãnh đạo Tổng cục Thuế đánh giá, công tác thu hồi nợ thuế đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên nhiệm vụ công tác quản lý nợ còn rất nặng nề, tổng nợ tiếp tục tăng cao. Với phương châm “giảm một đồng nợ thuế là tăng thu một đồng cho ngân sách nhà nước để phục hồi, phát triển kinh tế”, theo đó cơ quan thuế các cấp tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh…, để thu hồi nợ thuế.
Để đạt được mục tiêu kéo giảm nợ thuế đề ra từ đầu năm, Tổng cục Thuế giao Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chủ trì, phối hợp với các vụ, cục, đơn vị tiếp tục tổ chức các đoàn công tác địa phương để rà soát, giám sát tình hình triển khai công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đặc biệt tập trung rà soát dữ liệu tiền thuế nợ.
Đồng thời, tiếp tục tổng hợp, phân tích, đánh giá nguyên nhân nợ thuế, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể, những việc có thể triển khai được ngay thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế và những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội. Tăng cường truyền thông về việc thông tin nợ thuế có thể tra cứu để có thể chủ động nộp thuế trước khi xuất nhập cảnh.
Thời gian qua, ngành Thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng phương thức tạm hoãn xuất cảnh với NNT còn nợ đọng tiền thuế đã nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Khẳng định tại cuộc họp giao ban của Bộ Tài chính vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế đang làm đúng quy định pháp luật và hiệu quả thu hồi nợ thuế từ giải pháp này rất rõ ràng, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của NNT.
Người đứng đầu ngành Thuế cho biết, từ đầu năm đến nay, có khoảng gần 24.000 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với số tiền nợ thuế trên 50.000 tỷ đồng. Số thuế đã thu lại được là 1.844 tỷ đồng. Thậm chí, nhờ biện pháp này mà ngành Thuế đã “truy ra” gần 8.000 trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh khi vẫn nợ thuế. Qua đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế mong rằng, dư luận ủng hộ biện pháp này của cơ quan thuế.
LUẬT SƯ ĐỖ THỊ THANH NHÀN - CÔNG TY LUẬT E&D: Vi phạm nghĩa vụ nộp thuế, bị hạn chế quyền lợi là điều công bằng, hợp lý Tình trạng nợ đọng thuế diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến việc thu ngân sách của Nhà nước. Mặc dù cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế để thu tiền thuế nhưng hiệu quả chưa cao, đặc biệt với các doanh nghiệp chây ỳ, bỏ địa điểm kinh doanh, cố tình trốn tránh. Vì vậy, từ cuối năm 2023 đến nay cơ quan thuế đã đẩy mạnh tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân và người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đang nợ thuế. Việc này đã mang lại kết quả rõ ràng, bằng con số cụ thể, đó là số tiền thuế thu được của NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh từ cuối năm 2023 đến tháng 9 năm 2024 là 1.844 tỷ đồng. Việc tạm hoãn xuất cảnh đối với NNT đang nợ thuế là có đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành và đây là biện pháp cần thiết nên được áp dụng trong giai đoạn hiện nay, vì việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước là trách nhiệm của NNT. Trong số trường hợp nợ đọng tiền thuế, ngoài đối tượng khó khăn về tài chính chưa thu xếp được nguồn để nộp hoặc đang vướng về thủ tục, thì cũng có không ít trường hợp cố tình chây ỳ, trì hoãn việc nộp thuế. Đồng thời, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với NNT đang nợ thuế sẽ tác động mạnh đến ý thức và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NNT. Từ đó góp phần nâng cao ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của NNT. NNT sẽ nhận thức được nếu họ vi phạm nghĩa vụ thì quyền của họ sẽ bị hạn chế, đó là điều công bằng và hợp lý. TS. PHAN PHƯƠNG NAM - PHÓ TRƯỞNG KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI (TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH): Biện pháp hữu hiệu trong hoạt động thu nợ thuế Tạm hoãn xuất cảnh trong quản lý nợ thuế là một trong các biện pháp khá hữu hiệu và đã được minh chứng thông qua kết quả đạt được. Bên cạnh đó, biện pháp này đã tác động vào chính NNT để thấy rằng, pháp luật đã và đang thực thi nhằm đảm bảo sự công bằng giữa những người nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và những người có hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến hoạt động chi của ngân sách nhà nước. Việc làm trên càng thể hiện rõ quyết tâm của cơ quan quản lý thuế trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác cần đánh giá biện pháp này một cách toàn diện hơn như: Cơ quan quản lý thuế áp dụng biện pháp này nhưng chưa phân biệt rõ ràng giữa chủ thể nợ thuế có chủ đích và chủ thể nợ thuế vì khách quan, vì khả năng hiện hữu khó thực hiện được nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đồng thời, cơ quan Thuế cần xác định rõ ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Bởi lẽ, khi số tiền thuế không quá nhiều mà áp dụng biện pháp trên làm ảnh hưởng đến NNT. Thông tin còn được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cũng gây ảnh hưởng hưởng không nhỏ đến uy tín của NNT. Do vậy, cần xác định rõ để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, uy tín của NNT. Cơ quan quản lý thuế cũng cần cân nhắc thêm giải pháp như nộp dần số thuế theo lộ trình phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp. Việc áp dụng biện pháp này trong việc thu hồi nợ thuế đem lại lợi ích cho cả hai bên và có lợi cho cả nền kinh tế. |