Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã cho biết như vậy khi trao đổi với PV TBTCO xung quanh Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông”.

Thu phí phương tiện vào nội đô được tính toán như thế nào?
Hà Nội đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô. Ảnh: TL

*PV: Thưa ông, gần đây dư luận đang rất quan tâm đến Đề án“Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” gọi tắt là: “Phí giảm ùn tắc giao thông” do Sở Giao thông vận tải làm đơn vị tư vấn. Vì sao Hà Nội lại đề xuất lộ trình thu “phí giảm ùn tắc giao thông” vào năm 2024?

- Ông Vũ Văn Viện: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP.Hà Nội, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội được tập trung đầu tư theo quy hoạch, tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng hơn. Vận tải hành khách công cộng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến Vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ theo như dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người.

Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP.Hà Nội, trong đó có “giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông” là hết sức cần thiết.

Phí giảm ùn tắc giao thông là một loại phí mới chưa có trong Luật Phí và lệ phí được Quốc hội quy định cũng như các loại phí, lệ phí liên quan đến phương tiện đường bộ và sử dụng đường bộ theo các nghị định của Chính phủ, các thông tư của Bộ Tài chính quy định.

Cơ sở pháp lý để Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức xây dựng đề án thu phí phương tiện vào nội đô gồm có 3 nội dung cơ bản. Thứ nhất là Nghị quyết 04 của HĐND thành phố thông qua đề án Quản lý phương tiện giao thông. Thứ hai, Chính phủ đã có Văn bản số 10040/VPCP, chấp thuận chủ trương cho TP. Hà Nội được xây dựng đề án thu phí vào nội đô và yêu cầu các bộ ngành liên quan hướng dẫn thực hiện. Thứ ba, Nghị quyết số 115/2020 về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội" của Quốc hội, trong đó có nội dung cho phép HĐND thành phố Hà Nội ban hành một số loại phí, lệ phí chưa có trong luật, nghị định. Thực hiện Nghị quyết 115, mới đây HĐND TP.Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải xây dựng xây dựng nghị quyết thông qua Đề án: “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” để trình HĐND thành phố xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm 2021.

Thu phí phương tiện vào nội đô được tính toán như thế nào?
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện

*PV: Tại đề án, đơn vị tư vấn đã dự kiến khung mức thu phí, điều này được xác định trên cơ sở nào, thưa ông?

- Ông Vũ Văn Viện: Tôi khẳng định, đề án lần này cũng chỉ đưa ra khung mức thu phí, chưa có mức thu cụ thể với từng loại xe.

Trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục Đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…) dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng/lượt.

Đồng thời, theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố, dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện là khoảng 100.000 đồng/lượt.

*PV: Theo ông, lộ trình đề án sẽ được triển khai ra sao và cần điều kiện quan trọng gì để hiện thực hóa trong thời gian tới?

- Ông Vũ Văn Viện: Hiện, chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị có liên quan lập khung giá thu phí để trình HĐND trong kỳ họp cuối năm nay để HĐND thành phố xem xét, chấp thuận. Tuy nhiên mức phí này cũng phải dựa trên lưu lượng xe ra vào khu vực nội đô, khả năng chi trả của người dân, chủ phương tiện.

Từ năm 2022-2023, UBND TP.Hà Nội hoàn thiện các điều kiện thu phí: Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí; phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí.

Năm 2024, trình HĐND TP.Hà Nội ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP.Hà Nội quyết định trong năm 2024.

Để hiện thực hóa đề án, cần phải đảm bảo 3 điều kiện. Trước tiên, UBND TP.Hà Nội xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan làm căn cứ pháp lý để thực hiện việc thu phí.

Bên cạnh đó là cần điều kiện về công nghệ thu phí như quy định về số hóa phương tiện giao thông trên phạm vi cả nước, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về phương tiện giao thông trên toàn quốc gắn với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để có thể thực hiện được thu phí phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội) đảm bảo không ùn tắc giao thông tại khu vực thu phí.

Ngoài ra, thành phố phải đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng và phương án quản lý thu phí như lập dự án đầu tư xây dựng các trạm thu phí và xây dựng phương án tổ chức quản lý thu, chi và sử dụng nguồn thu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện việc đầu tư xây dựng theo quy định.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Phí giảm ùn tắc giao thông là một loại phí mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô) phải trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; nhằm giảm lưu lượng xe ô tô đi vào góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Đối tượng thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (Trừ các phương tiện được miễn phí: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa,...).

Các xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất đinh. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, ...) được giảm phí.