Canada

Ông Nicolas Drouin phát biểu tại hội thảo.

Đây là những thông tin, đề xuất được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Thuế tài sản và một số gợi ý cho Việt Nam", do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp với một số cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức, chiều ngày 26/6.

Xác định thuế tài sản theo lạm phát và nhu cầu ngân sách

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn áp dụng thuế tài sản tại bang Ontario, Canada, ông Nicolas Drouin - chuyên gia phát triển của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết, tại Canada, việc thu thuế được thực hiện ở 3 cấp chính quyền. Chính quyền liên bang, chính quyền bang thu các loại thuế như thuế doanh thu, thuế thu nhập. Còn thuế tài sản do chính quyền thành phố/đô thị thu. Năm 2017, trung bình các hộ gia đình ở Canada chi trả 42,5% thu nhập cho các khoản thuế.

Trong đó, thuế tài sản là một nguồn thu chính do chính quyền đô thị kiểm soát. Nguồn thu từ thuế tài sản được dùng để trang trải các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp như giáo dục, y tế, giao thông, phúc lợi cộng đồng, an ninh công cộng…

Việc thu thuế tài sản dựa trên 2 nguyên tắc nền tảng là nguyên tắc lợi ích (mà chủ tài sản) nhận được và nguyên tắc khả năng đóng thuế (của chủ tài sản). Điều này được lý giải là các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp mang lại lợi ích trực tiếp cho chủ sở hữu tài sản nên chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm đóng thuế.

Việc định giá nhà đất để đánh thuế tại bang Ontario được dựa trên tới 200 tiêu chí, trong đó 5 tiêu chí chiếm đến 85% nội dung định giá tài sản nhà ở là: vị trí, kích thước lô đất, khu dân cư, tuổi đời của tài sản và chất lượng xây dựng. Chẳng hạn, ở khu vực đô thị, các vị trí gần đèn giao thông, đường tàu, công viên, bến tàu/xe, đường dây tải điện, sân golf có thể tăng hay giảm giá trị của tài sản. Còn ở khu vực nông thôn, vị trí gần các điểm cung cấp dịch vụ (nước, hệ thống thoát nước, đường sá, điện) và gần sông, hồ có thể có ảnh hưởng đến giá trị tài sản.

Hàng năm, chính quyền đô thị sẽ xem xét lại nhu cầu ngân sách và bỏ phiếu xác định mức tăng thuế tài sản dựa vào tỷ lệ lạm phát và các nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới, nếu cần thiết.

Chính quyền đô thị phải tổ chức tham vấn công chúng về nhu cầu ngân sách và mức tăng thuế tài sản liên quan. Việc đánh giá lại giá trị hiện tại của tài sản được thực hiện 4 năm 1 lần để đảm bảo giá trị định giá phản ánh sát sao thị trường bất động sản. Các mức tăng giá trị tài sản được phân bổ đều cho 4 năm. Trong trường hợp hãn hữu, chính quyền đô thị có thể tịch thu và bán lại tài sản để truy thu thuế.

Ngoài thuế tài sản hàng năm, người dân Canada cũng trả 1 lần thuế chuyển nhượng tại thời điểm mua tài sản (khoảng 1 - 2,5% giá trị tài sản ở bang Ontario). Khi bán, người sở hữu tài sản được miễn thuế lợi nhuận từ tài sản cho nhà ở thứ nhất, nhưng phải trả thuế từ nhà thứ 2 trở đi. Trích dẫn số liệu năm 2017 ở Ottawa (Canada), ông Nicolas Drouin cho biết, trung bình mỗi công dân ở đây đóng 10,68 CAD (đô la Canada) cho 1.000 CAD trị giá tài sản (thuế suất trung bình là 1,068%).

Theo ông Nicolas Drouin, với việc thu thuế tài sản như vậy, bất kỳ ai có ý định mua nhà, đất ở Canada đều phải cân nhắc đến mức thuế phải nộp, từ đó quyết định việc mua bán và sử dụng nhà sao cho có lợi nhất.

Đề xuất đánh thuế theo hình thức luỹ tiến

Gợi ý chính sách về thuế tài sản với Việt Nam, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, nên đánh thuế ở mức thấp và có biểu thuế lũy tiến để đảm bảo công bằng khi áp dụng thuế tài sản. Thậm chí, có thể gấp 5 - 10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản. Ví dụ như mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% và với người có nhiều tài sản ít nhất là 1%. Ông Đức cũng cho rằng, có thể để mức thuế suất thấp ban đầu là 0,1%, sau đó tăng lên 0,3% - 0,4% sau 10 năm.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, việc đầu tiên cần làm là phải có dữ liệu nhà, đất để đảm bảo công bằng và tránh tình trạng "người có 10 cái nhà nhưng mức độ nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có 1 nhà". Theo ông Đức, ở nhiều nước, người dân đa số là đi thuê nhà, còn những người có nhà thường là có năng lực tài chính dồi dào.

Cùng quan điểm về đánh thuế tài sản theo hình thức luỹ tiến, bà Lê Thị Mai Liên -Trưởng ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, nên đánh thuế lũy tiến nhằm mục đích phân phối lại và đảm bảo công bằng theo chiều dọc. Đồng thời, chính sách nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế).

Về định giá nhà, đất để tính thuế, trong thời gian trước mắt nên căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn cần phải sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất, trong đó bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường để làm căn cứ tính thuế tài sản.

Theo bà Lê Thị Mai Liên - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), nguồn thu từ thuế tài sản có xu hướng ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng với ngân sách địa phương, tăng cường tính tự chủ và vai trò điều hành của chính quyền địa phương. Bên cạnh hiệu quả đảm bảo công bằng trong xã hội, nâng cao tính tự chủ của địa phương, thuế tài sản còn góp phần ổn định thị trường nhà đất, khuyến khích người có tài sản sử dụng tài sản hiệu quả hơn; khuyến khích địa phương cung cấp dịch vụ công chất lượng hơn; tránh tập trung quá nhiều tài sản vào một số người gây méo mó thị trường.

H.Y