Tiếp chuyện một nhà văn
Tác giả (bên phải) báo cáo với nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế. Ảnh: TL

Tết Nguyên đán năm ấy vui tươi, số báo xuân in ra đẹp, nội dung phong phú, hấp dẫn, văn phong chỉn chu. Mọi cán bộ, phóng viên, nhân viên đều phấn khởi với sản phẩm đón xuân và càng vui khi kinh doanh của báo đạt kết quả cao. Mọi người được an toàn, bình an, khiến không khí càng sôi nổi và chúc mừng nhau năm mới đạt nhiều tiến bộ, doanh thu cao hơn năm cũ…

Hôm đó cán bộ, phóng viên đến tòa soạn sớm, bắt tay vào thực hiện số báo tân niên, mở đầu năm mới đầy khí thế. Bấy giờ cũng là lúc mọi người say sưa đọc kỹ sản phẩm của mình làm ra và là thời điểm lắng nghe dư luận của bạn đọc trong ngành và cả nước. Thư ký tòa soạn ngồi vào bàn tuyển chọn bài, tin, ảnh… cho số báo mới. Đúng cuối giờ Thìn, một nhà văn - cộng tác viên của báo đến gặp lãnh đạo báo. Phó Tổng biên tập thứ nhất Đào Ngọc Hùng bắt tay nhà văn (xin không ghi tên) và chỉ sang phòng gặp Trưởng Ban Thư ký tòa soạn.

Ông giới thiệu mình và yêu cầu gặp thư ký tòa soạn, người trực tiếp duyệt bài của ông. Tôi dừng công việc, niềm nở mời ông ngồi và pha trà. Tôi nói:

- Rất vui bác đến thăm tòa soạn đầu xuân, chúng tôi chúc bác năm mới an khang, mọi sự như ý… - Sau ba tuần trà nóng hổi, tôi thưa:

- Chắc bác có điều mới cần trao đổi, đóng góp ý kiến cho anh em chúng tôi công việc “bếp núc” tốt hơn… - Nhà văn nhìn thẳng vào tôi và nói:

- Ai sửa bài, cắt bài của tôi?

Tôi liền nhận đã sửa bài theo phận sự một thư ký tòa soạn và cảm ơn bác đã nhiệt tình đến nơi chỉ giáo. Không để ông chờ đợi, tôi nói tiếp:

- Truyện ngắn của bác đã ra mắt bạn đọc, nhưng quá trình đọc bản thảo, tôi đã mạn phép bỏ đi 3 đoạn ngắn, bảo đảm câu chuyện hấp dẫn, văn phong trong sáng. Bác đến, tôi thay mặt tòa soạn xin lỗi bác về việc cắt bài, lẽ ra phải xin ý kiến, trao đổi với tác giả trước khi lên khuôn báo... Tôi thành thật nhận lỗi, mong bác thứ lỗi, bỏ qua cho!

Tôi đứng lên đi vào chỗ xếp chồng báo mới - báo biếu của tác giả. Hai tay trân trọng giao cho nhà văn, tiện tay cầm một tờ khác và giở ra đúng trang đăng bài của ông, tôi thưa:

- Báo đã in. Bài của bác được đánh giá tốt. Chúng tôi cảm ơn bác đã cộng tác với báo, nhất là số báo Xuân.

Ông xem trang đăng bài của mình, cùng minh họa và gật đầu. Tôi nói:

- Tác phẩm của bác được trình bày trang trọng, chiếm gọn cả trang báo, trong chùm bài văn hóa văn nghệ - Không để ông chờ, tôi mời ông khi chén trà còn bốc hơi, tiếp tục câu chuyện - Bài của bác tôi đã cắt bỏ 3 đoạn theo nội dung của truyện ngắn. Đó là đoạn ở gần đầu bài, giữa bài và cuối bài.

Rồi tôi giải thích cho ông rằng, những đoạn này mà để nguyên văn sẽ ảnh hưởng đến nội dung trong sáng và sự nhạy cảm chính trị của tờ báo. Tôi dẫn giải với nhà văn: Bản thảo còn để lưu (sau 1 tháng). Là sản phẩm tinh thần mà bác “mang nặng đẻ đau”, chắc không cần xem lại.

Riêng tôi đọc rất kỹ bài này, mặc dù Phó Tổng biên tập thứ nhất đã ký duyệt. Là người chịu trách nhiệm cuối cùng, khi đọc phát hiện “hạt sạn” trong bài, tôi trăn trở, đọc đi đọc lại đến thuộc những đoạn cần cắt bỏ và làm theo trách nhiệm được giao.

Đêm hôm đó, tôi gọi điện báo cáo cố Tổng biên tập, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tào Hữu Phùng những chi tiết chỗ tôi cắt bỏ. Ông vốn tin tưởng tôi và nói; "Trách nhiệm Trưởng Ban Thư ký cần phải làm tròn" và khích lệ:"Nhà văn sẽ đến hỏi, Thư ký tòa soạn cứ trao đổi thẳng thắn. Tôi thấy Thư ký tòa soạn cắt bài là đúng, chính xác để bảo đảm an toàn cho báo ta và tác giả".

Nhà văn lắng nghe và gật đầu. Tôi trao đổi thẳng những đoạn đã cắt bỏ, nhắc lại gần như nguyên văn với ông.

Đoạn gần đầu, tôi bỏ đi chỗ ký nói: Họ A (đã thay đổi) phát ngoại, quan lại được sắp xếp từ trung ương đến địa phương thành mảng…

Đoạn giữa bài, tôi cắt bỏ chỗ ý nói: quan lại, họ A đông đảo thành thế lực, khiến dư luận bàn tán…

Đoạn cuối gần kết thúc bài, tôi bỏ - hầu như nguyên văn: “Mỗi khi đi qua mộ cụ Tô Hiến Thành, thấy cỏ âu đỏ, gió đìu hiu thổi, thỉnh thoảng có tiếng rên hự hự…".

Theo dõi nét mặt nhà văn từ hồng hào bình thường, chuyển sang nhợt nhạt và cuối cùng đỏ bừng. Tôi nói:

- Truyện ngắn được đăng, nhưng nếu để lại những đoạn đã cắt bỏ, chắc chắn báo sẽ bị thu hồi. Tôi và bác cũng không còn tự do ngồi đây để nhắc với nhau câu chuyện mà chúng ta vừa trao đổi.

Tôi và nhà văn uống chén trà trước khi chia tay. Ông gặng hỏi tôi:

- Bác ở đâu về đây?

Tôi nói từ báo Nhân dân được Tổng biên tập Hữu Thọ cử sang!

Ông đứng lên, nắm tay tôi vui vẻ nói:

- Cảm ơn, cảm ơn… rất cảm ơn!

Cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 40 phút. Ngay buổi tối cùng ngày, tôi tường thuật lại qua điện thoại với cố Tổng Biên tập Tào Hữu Phùng. Ông cười vui chúc tôi năm mới mạnh khỏe và canh gác tốt công việc bếp núc của mình. Ông không quên khen tờ báo, mà qua dư luận ông được biết và dặn:

- Đúng như dư luận, báo của ngành ta (ngành Tài chính) lớn nhanh như Phù Đổng, còn phát huy tốt hơn nữa!...

Câu chuyện tiếp một nhà văn đã trở thành kỷ niệm sâu sắc trong thời gian làm Trưởng Ban Thư ký tòa soạn Thời báo Tài chính Việt Nam của tôi. Đến hôm nay, sự kiện đó xảy ra đã hơn 20 năm, nhưng nó vẫn để lại trong tôi được ngọt ngào của một niềm tự hào - mình đã làm tốt nhất công việc tòa soạn giao phó./.