VHT

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Sáng 22/7, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.

Chiến lược vắc-xin gặp nhiều thách thức

Về kinh tế, Ủy ban Kinh tế tán thành với nhận định trong báo cáo của Chính phủ, theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Thu, chi NSNN đạt kết quả khả quan, tổng thu đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3%; tổng chi đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9%. Số thu nội địa 6 tháng đầu năm tăng 13,9%. Tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của 3 khu vực kinh tế trong những tháng đầu năm 2021 tăng cao hơn; thu NSNN 6 tháng từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng 37,5% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm; thị trường chứng khoán tăng cao.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh; Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng điểm triển vọng lên "Tích cực"; triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Trong đó, có việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp. Chiến lược vắc-xin của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp; nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc-xin.

Sức cầu trong nước yếu, tuy nhiên CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo.

Lưu ý bong bóng tài sản và rủi ro đến kinh tế vĩ mô

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá rõ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc; kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường; cung cấp số liệu, làm rõ nguyên nhân thiếu hụt container, chi phí vận tải đối với một số ngành hàng tăng cao so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Ủy ban kinh tế lưu ý các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4/2021 là 1,78%).

Nợ xấu tín dụng các dự án BOT, BT giao thông giảm so với cuối năm 2020, tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính.

Mặt bằng lãi suất giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia còn chậm; nhiều ngành, địa phương vẫn tập trung vào việc điều chỉnh quy hoạch của thời kỳ trước; việc lập và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh của một số địa phương vẫn chưa được thực hiện, có thể ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư, phát triển của giai đoạn 2021 - 2025. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, số lao động thất nghiệp tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, một trong những vấn đề Ủy ban Kinh tế lưu ý là xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động, tích cực huy động vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại. Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thí điểm các mô hình kinh doanh mới.

Dương An