NVG

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội tại phiên họp của UBTVQH.

Chiều 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về các báo cáo đánh giá bổ sung thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015, 5 năm 2011 – 2015 và Kế hoạch phát triển cho 5 năm tiếp theo.

Giai đoạn 2011 – 2015: 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch

Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả bổ sung thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 có 5 chỉ tiêu đạt cao hơn và 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn nhưng không lớn so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 10. Các cơ quan của Quốc hội đều nhất trí với báo cáo bổ sung của Chính phủ.

Đối với kết quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, đa số ý kiến cũng tán thành Báo cáo của Chính phủ. Trong 5 năm qua, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát từ 11,75% năm 2010 chỉ còn 0,63% năm 2015, tăng trưởng kinh tế tăng dần từ 5,25% năm 2012 lên 6,68% năm 2015. Năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm cao hơn giai đoạn trước. Các cân đối lớn được cải thiện đáng kể, nhập siêu giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 1,93% và so với mức nhập siêu 22,4% giai đoạn 2006 - 2010. Thu nhập bình quân đầu người từ 1.168 USD năm 2010 tăng lên 2.109 USD năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 14,2% năm 2010 còn dưới 4,5% năm 2015.

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Có 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,9% thấp hơn mức 7% của 5 năm giai đoạn trước, năng suất lao động so với một số nước Đông Nam Á còn thấp.

Tái cơ cấu đầu tư công có chuyển biến tích cực, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có những kết quả bước đầu. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả, chỉ mang tính kỹ thuật hạch toán từ tổ chức tín dụng sang VAMC.

Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng còn cao, chỉ tính năm 2015 bình quân khoảng 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn trong khi lạm phát chỉ ở mức 0,63%.

Bội chi ngân sách bình quân 4% GDP trong 5 năm tới

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm tới 2016 – 2020, báo cáo của Chính phủ đưa ra các chỉ tiêu như: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 4% GDP; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%.

Hầu hết các ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành với Báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, định hướng, các chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng thông qua, đồng thời đề nghị Chính phủ cần sớm xây dựng chương trình, các đề án cụ thể hóa những vấn đề mới, tận dụng thời cơ, thuận lợi khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong đó, một số giải pháp cụ thể được đề cập là tập trung đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường sắt Bắc - Nam. Hiện đại hóa và nâng cao năng lực các dịch vụ tổng hợp của các cảng biển lớn. Ban hành cơ chế đặc thù về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… để triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành, theo đó đề nghị Quốc hội quyết định bố trí vốn và cho phép thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng cho dự án trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Tín hiệu tốt trong điều hành ngân sách

Cho ý kiến tại phiên họp chiều 7/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách năm 2015 đã có rất nhiều tiến bộ so với báo cáo trước Quốc hội vào tháng 10. Riêng về NSNN, trong 3 tháng cuối năm đã vượt thu dự toán hơn 85.000 tỷ, tăng gần 70.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Chính phủ không dùng đến khoản 10.000 tỷ đồng từ cổ phần hoá DNNN để cân đối ngân sách như đã được Quốc hội cho phép. Chi đầu tư phát triển tăng cao hơn chi thường xuyên, là một tín hiệu rất tốt trong điều hành ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Liên quan đến điều hành ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng giải thích thêm về con số bội chi năm 2015 là 6,11% GDP, cao hơn dự toán. Lý do là mức giải ngân ODA trong năm đã tăng 30.000 tỷ đồng, theo sự chấp thuận của Quốc hội. Đồng thời, trong năm qua chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn dự toán dẫn đến giá trị thực tế của GDP giảm cho dù tăng trưởng GDP đã cao hơn dự toán. Trong 5 năm tới, theo định hướng con số bội chi dự kiến sẽ giảm dần còn 3,1% GDP vào năm 2020. Đây là một chỉ tiêu được đánh giá cao như là một nỗ lực của Chính phủ để đảm bảo cân đối ngân sách, giữ an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 5 năm tới.

Sau phiên họp này, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và kế hoạch cho giai đoạn 2016 – 2020 sẽ được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua vào cuối tháng 3 tới./.

H.Y