Xu hướng lựa chọn không có nhiều thay đổi

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân thường có thói quen du xuân kết hợp đi lễ để cầu cho một năm mới bình an, thuận lợi. Nắm bắt nhu cầu đó, ngay những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, các doanh nghiệp lữ hành đã đồng loạt chào bán tour đi vãn cảnh chùa với mức giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng.

Theo đó, với thị trường du lịch trong nước, xu hướng lựa chọn của khách hàng không có nhiều thay đổi. Ở miền Nam, du khách chọn hành hương đến núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Cấm (An Giang); tại miền Trung, chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) là điểm đến “hút” khách và ở miền Bắc, du khách có xu hướng tìm về chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi lai tự, Chùa Cây Thị (Hà Nam) hay “đất Phật” Yên Tử (Quảng Ninh).

Tour du xuân, lễ hội hút khách sau Tết Nguyên đán
Chùa Địa Tạng Phi lai tự (Hà Nam) đang là một điểm đến thu hút nhiều du khách trong mùa lễ hội năm nay. Ảnh: T.M

Một số tour du lịch gần Hà Nội đi về trong ngày đang được nhiều du khách lựa chọn nhất. Cụ thể, tour đi lễ chùa Tam Chúc và chùa Địa Tạng Phi lai tự (Hà Nam) vào thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, đi về trong ngày có giá 550.000 đồng/người; tour đi lễ Yên Tử, chùa Đồng (Quảng Ninh) có giá 900.000 đồng/người; tour đi lễ Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) bao gồm vé tham quan và vé đi thuyền ngắm cảnh có giá 900.000 đồng/người; tour đi chùa Ba Vàng - Yên Tử - chùa Đồng bao gồm cáp treo, xe điện có giá 950.000 đồng/người; tour đi lễ Núi Bà Đen (Tây Ninh) khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh có giá 750.000 đồng/người...

Thị trường du lịch nước ngoài có nhiều lựa chọn mới, ngoài điểm đến quen thuộc là “xứ sở chùa Vàng” Thái Lan thì Ấn Độ và các quốc gia khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc)… là các tuyến hành hương thu hút du khách.

Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, thông thường, ngay sau Tết âm lịch, chùm tour hành hương mùa lễ hội đầu năm của công ty luôn được đông đảo khách hàng quan tâm, chiếm tỷ lệ cao.

Việc nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội… cũng là những yếu tố quan trọng để du lịch lễ hội thu hút du khách.

Ngăn chặn hành vi trục lợi, “ăn theo”

Bên cạnh những yếu tố tích cực khi đi du xuân, lễ hội có rất nhiều hoạt động tiêu cực làm ảnh hưởng đến tâm lý, hành trình tour của du khách như xảy ra các dịch vụ "ăn theo": xem bói, bốc quẻ, bán bùa may…

Các tour du lịch đi lễ thông thường sẽ đông khách trong khoảng thời gian hết tháng Giêng, sau đó, lượng khách đi tour sẽ giảm mạnh, các tour du lịch đi lễ giá rẻ cũng dần không còn được tổ chức thường xuyên.

Để hạn chế những yếu tố tiêu cực trên, đại điện các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, du khách nên lên kế hoạch du lịch sớm và đến các công ty du lịch uy tín để được tư vấn thông tin du lịch, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển với mức giá ưu đãi, do lợi thế có hợp đồng giữ chỗ dài hạn với các đối tác du lịch.

Điều này sẽ giúp du khách hạn chế tối đa tình trạng đến nơi du lịch mà hết phòng, vào nhà hàng không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; không thể thuê được phương tiện vận chuyển giữa các điểm tham quan hoặc phương tiện vận chuyển cũ, không đảm bảo an toàn, nhồi nhét khách…

Tour du xuân, lễ hội hút khách sau Tết Nguyên đán
Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: T.L

Trước đó, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cũng đã có công văn đề nghị các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.

Không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ ngày 8/2 đến ngày 14/2), ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú. Công suất phòng trung bình ước đạt từ 45-50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch.