Trẻ bị rối nhiễu tâm trí có xu hướng gia tăng

Nhiều năm qua, vấn đề trẻ bị mắc các chứng rối nhiễu tâm trí như tự kỷ, tăng động, giảm chú ý… trở thành một vấn đề xã hội lớn.

Tại diễn đàn Phát huy vai trò của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) và Mạng Bảo vệ quyền trẻ em (CRNET) trong thực hiện chính sách của Nhà nước về quyền trẻ em ngày 19/12, bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai cho rằng ở Việt Nam, vấn đề trẻ tự kỷ mới bắt đầu được quan tâm và được xác định là vấn đề xã hội lớn trong vài năm trở lại đây.

Theo thống kê của phòng khám bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện Nhi đồng I, tỷ lệ trẻ tự kỷ đến khám đang tăng nhanh. Có khoảng hơn 70% người tự kỷ bị khuyết tật trí tuệ, mức độ khiếm khuyết từ nhẹ đến nặng, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ có thể sống độc lập khi đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, ngay cả những người tự kỷ này cũng cần sự giám sát, hỗ trợ của gia đình.

Bà Lan cũng cho rằng, phát hiện sớm trẻ tự kỷ giúp thiết lập chương trình can thiệp sớm cho trẻ, giúp gia đình định hướng và có cơ hội tốt nhất trong việc lựa chọn các dịch vụ can thiệp để đạt kết quả tốt nhất cho con mình.

Đưa trẻ tự kỷ vào Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết: Hiện nay có trên 26 triệu trẻ em, trong đó có 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, do đó số lượng trẻ em cần chăm sóc là rất lớn. Bà Lan cho rằng, trong nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nên tập trung vào những vấn đề đang nóng để giải quyết như trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật…

tre em
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Cũng tại diễn đàn, ông Đinh Văn Tuấn, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết để giải quyết vấn đề trẻ tự kỷ cần thiết phải đưa vấn đề này vào Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đồng thời, phải xác định rõ trẻ tự kỷ là vấn đề giáo dục hay vấn đề điều trị bệnh, nếu là bệnh thì phải đưa vào danh mục khám chữa bệnh và Bảo hiểm y tế phải có trách nhiệm chi trả hỗ trợ cho người bệnh. Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh cho trẻ tự kỷ phải được cấp phép hoạt động, và nhân viên phải được cấp phép hành nghề.

Còn ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 17 triệu trẻ em trong hệ thống giáo dục quốc dân, tuy nhiên mới chỉ có 70% các cơ sở đào tạo có đủ bộ phận chuyên trách để tiếp nhận các điều kiện chăm sóc trẻ em, còn khoảng 30% chưa đủ các điều kiện để tiếp nhận.

Ông cho rằng cần xây dựng nhiều mô hình giáo dục có sự tham gia mạnh mẽ của trẻ em, xây dựng môi trường giáo dục sư phạm lành mạnh là yêu cầu bắt buộc hàng đầu đối với các nhà trường trong chương trình đào tạo. Ông cũng đề nghị nên xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý cho các trường học, phấn đấu đến năm 2020 tại các cơ sở đào tạo phải có cán bộ chuyên làm công tác tư vấn tâm lý học đường. Như vậy, mới có thể giải quyết vấn đề trẻ bị rối nhiễu tâm trí trong thời gian tới./.

Mai Đan