Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung |
Đa dạng, linh hoạt trong truyền thông chính sách tài chính
Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết tới đời sống của tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Hằng năm, Bộ Tài chính phải soạn thảo, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành số lượng văn bản quy phạm pháp luật khá lớn, trong đó, có nhiều chính sách mới, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi áp dụng trải rộng trên toàn quốc, đối tượng chịu sự tác động lớn.
Đăng tải hàng nghìn tin, bài về ngành Tài chínhTheo thống kê, từ năm 2023 đến tháng 7/2024, Bộ Tài chính đã tổ chức gần 30 cuộc họp báo quý, họp báo chuyên đề, đột xuất để cung cấp nhiều nội dung thông tin về cơ chế, chính sách của Bộ Tài chính và trả lời các câu hỏi của phóng viên, báo chí tham dự họp báo. Đồng thời, cung cấp khoảng 70 thông tin/thông cáo báo chí; thực hiện khoảng 130 cuộc trả lời phỏng vấn; đăng tải hàng nghìn tin bài viết về các cơ chế, chính sách, hoạt động nổi bật của ngành Tài chính trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử, Trang Thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ. |
Trong những năm qua, truyền thông chính sách được coi là kênh truyền dẫn hiệu quả chính sách tài chính và hoạt động của ngành Tài chính đến với dư luận xã hội. Thông qua hoạt động truyền thông chính sách, Bộ Tài chính nắm bắt được ý kiến của công chúng, dư luận xã hội, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động của chính sách để từ đó nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phù hợp, hài hòa lợi ích của Nhà nước và các đối tượng.
Nhờ có sự chủ động công khai, minh bạch thông tin, các cơ chế, chính sách của Bộ Tài chính được cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiếp cận, tham gia ý kiến nhiều chiều, góp phần nâng cao ý thức chấp hành và tuân thủ với nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, đồng thời, giúp các đối tượng nhanh chóng tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả của chính sách.
Có thể nói, các thông tin về tài chính đa phần là thông tin chính sách khó và khô khan, để các đối tượng quan tâm dễ dàng tiếp cận thông tin, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng các chương trình truyền thông để phát sóng trên các kênh truyền hình, ấn phẩm báo chí với cách truyền đạt dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng. Từ đó, từng bước đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của các đối tượng. Nhiều chương trình đã ra đời, như: Thuế và đời sống; Thuế Nhà nước; Hải quan với doanh nghiệp; Hải quan Việt Nam; Bản tin Thuế - Hải quan; Doanh nghiệp và Pháp luật; Hải quan và Phát triển; Kho bạc Nhà nước quản lý ngân quỹ quốc gia an toàn, hiệu quả… được đông đảo công chúng theo dõi, tương tác.
Truyền thông tạo sự đồng thuận trong dư luận
Đáng chú ý, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã sử dụng hình thức trang Fanpage, Facebook, Zalo để cung cấp thông tin và trong thời gian qua đã phát huy tác dụng nhất định.
Ngoài ra, hằng năm Bộ Tài chính tổ chức các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan. Cơ quan Thuế, Hải quan cũng đều tổ chức các hội nghị đối thoại trên địa bàn. Thông qua hội nghị đối thoại, Bộ Tài chính cập nhật cho doanh nghiệp về các chính sách, thủ tục thuế, hải quan mới cũng như lắng nghe những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách để có hướng tháo gỡ, báo cáo phù hợp, kịp thời.
Nhiều nội dung truyền thông chính sách lớn đã được Bộ Tài chính triển khai truyền thông trong thời gian qua, như: Các cơ chế, chính sách về lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; các dự thảo thông tư, nghị định; thông tư, nghị định, nghị quyết mới ban hành liên quan đến lĩnh vực tài chính; về thị trường chứng khoán; các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; công tác điều hành xăng dầu; công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kịp thời truyền thông về các giải pháp quản lý, điều hành thu ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các giải pháp thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực cho ngân sách nhà nước; tuyên truyền kịp thời về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất; cơ chế, chính sách thuế mới ban hành trong năm.
Đối với lĩnh vực thuế, hải quan, việc truyền thông kịp thời về nhiều vấn đề được người dân quan tâm là một trong những thành công của Bộ Tài chính. Trong đó phải kể đến đó là: Kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng; tiến độ triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; triển khai hóa đơn điện tử với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa. Cùng với đó là công tác phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chuyển đổi số hải quan; chính sách mới về lĩnh vực xuất nhập khẩu, đẩy mạnh kiểm soát chi qua kho bạc; các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; quản lý tài sản công; các giải pháp quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch…
Đánh giá về sự thành công trong truyền thông chính sách của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi - người phát ngôn Bộ Tài chính khẳng định, các cơ chế chính sách của Bộ Tài chính luôn được các phóng viên, các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm, phản ánh đúng, đủ, toàn diện, đa chiều, khách quan, trách nhiệm cao dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ đó, những thông tin cập nhật, mang tính thời sự, sự kiện quan trọng của ngành Tài chính luôn được đăng tải kịp thời, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong dư luận xã hội, giúp người dân, doanh nghiệp ngày càng hiểu rõ, ủng hộ những chính sách của ngành Tài chính.
Đảm bảo nguồn lực cho truyền thông chính sáchThời gian qua, các cơ quan báo chí ngành Tài chính, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính, Cổng Thông tin điện tử của các Tổng cục thuộc Bộ Tài chính… thường xuyên đăng tải, cập nhật kịp thời các văn bản điều hành của Bộ, đơn vị, góp phần lan tỏa rộng rãi cơ chế chính sách của Bộ Tài chính đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng chuyên mục để giải đáp, tư vấn chính sách tự động để ghi nhận, giải đáp, hướng dẫn, trả lời kịp thời, đầy đủ các câu hỏi, kiến nghị của bạn đọc liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị mình. Bên cạnh làm tốt công tác truyền thông chính sách, thời gian qua, Bộ Tài chính còn đảm bảo bố trí kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện công tác truyền thông chính sách của các bộ, cơ quan trung ương theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Đối với dự toán năm 2023, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Theo đó, các bộ, ngành chủ động cân đối bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ về truyền thông chính sách, không phát sinh nội dung bố trí riêng. Qua rà soát, Bộ Tài chính tổng hợp kinh phí truyền thông chính sách của một số bộ, ngành như sau: Bộ Thông tin và Truyền thông là 66,015 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 60 tỷ đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường là 35,079 tỷ đồng. Các đơn vị khác lồng ghép trong các nhiệm vụ, chương trình, đề án để thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện chính sách về công tác truyền thông chính sách đảm bảo đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo nguồn lực cho thực hiện truyền thông chính sách theo quy định./. |