Nông thôn mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: NNK

Bố trí và huy động hơn 2 triệu tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo kết quả triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tài chính cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 của Bộ Tài chính gửi về Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua, ngân sách nhà nước (NSNN) đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các vùng khó khăn theo các nghị quyết của Bộ Chính trị.

Hàng năm, ngân sách trung ương bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng; trong đó có nhiệm vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; bố trí kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Ngân sách địa phương bố trí cho phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân...

Đối với nguồn thu từ xổ số kiến thiết, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ Tài chính trình và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dành 60% đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế (các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên), 50% (đối với các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Các địa phương bố trí tối thiểu 10% dự toán thu để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ thuộc chương trình NTM.

Số liệu từ báo cáo cũng nêu rõ, cơ cấu nguồn vốn bố trí cho chương trình NTM về cơ bản đã đảm bảo được theo quy định tại Quyết định 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tổng mức vốn đã huy động để thực hiện chương trình cho cả giai đoạn 2011 - 2019 là 2.119.626 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương đã bố trí là 53.722 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 232.241 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 307.970 tỷ đồng; vốn tín dụng là 1.231.372 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp là 101.208 tỷ đồng và nguồn vốn huy động đóng góp của người dân và cộng đồng là 193.113 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011 - 2019, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thu NSNN có tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng với nỗ lực của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương đã ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó dành một phần để bố trí cho chương trình NTM.

Đối với việc phân bổ vốn của chương trình đã tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã thuộc các huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (NQ 30a). Ngoài ra, các địa phương cũng đã chủ động thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, huy động sự đóng góp của người dân để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân…

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, việc bố trí nguồn lực cho chương trình NTM vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Ví dụ, hiện nay vẫn chưa bố trí được nguồn kinh phí khen thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định số 2001/QĐ-TTg ngày 20/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ là 638 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ khi thực hiện chương trình NTM, do diễn biến tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi và những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện, nhất là nguồn NSNN và huy động từ doanh nghiệp cho xây dựng NTM. Không những vậy, xu hướng ngày càng có nhiều văn bản liên quan đến chính sách đối với các đối tượng còn khó khăn được vay vốn chính sách xã hội thời gian qua chưa thực sự phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực tài chính, NSNN luôn bị áp lực và bị động trong việc bố trí để thực hiện các chương trình…

Để nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính có một số định hướng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chương trình NTM.

Theo đó, tiếp tục thực hiện ưu đãi thuế, phí và lệ phí đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, chính sách ưu đãi thuế, phí và lệ phí đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm khuyến khích phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta.

Song song đó, tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề thu hút nhiều lao động, các dự án phục vụ chế biến, bảo quản xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, nhằm giải quyết việc làm cho nông dân thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Cùng với đó, dành nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó chú ý thực hiện các chính sách ưu tiên bố trí ngân sách phát triển đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại các vùng khó khăn theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững và Chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Cùng với đó, có cơ chế cho các vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội để thu hút nguồn lực tài chính để tự phát triển, bố trí dành nguồn ngân sách để tập trung đầu tư cho các vùng còn nghèo và khó khăn, phát triển nguồn nhân lực theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020...

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương chủ động bố trí cân đối ngân sách địa phương cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thuỷ lợi, tăng cường cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... để phát triển sản xuất.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ sung nguồn vốn 638 tỷ đồng trong nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn NSNN, trong trường hợp đảm bảo được nguồn theo đúng Nghị quyết 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019, để các địa phương có nguồn thực hiện.

Đối với nguồn lực xây dựng NTM, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2010 - 2020 mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cũng nhấn mạnh, giai đoạn tới sẽ tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình NTM.

Theo đó, thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ trên cùng địa bàn theo cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính của chương trình NTM; có chính sách hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các đơn vị cấp huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM và cấp xã phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình; ưu tiên bố trí nguồn thu từ xổ số kiến thiết, tận dụng cơ chế bán đấu giá quyền sử dụng đất ở vùng có dư địa lớn và tiềm năng phát triển để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.../.

Khánh Linh