df

Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov (ngoài cùng bên trái) tại buổi họp báo. Ảnh: L.V

Đây là khẳng định của ông Konstantin Vnukov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam tại buổi họp báo Tổng kết quan hệ Nga - Việt 2015, tổ chức ngày 28/12, tại Hà Nội.

Hợp tác sâu rộng nhiều lĩnh vực

Đại sứ Vnukov cho biết, một trong những phần cấu thành có ý nghĩa quan trọng bậc nhất trong quan hệ Nga-Việt đó là hợp tác kinh tế-thương mại.

Trong những năm gần đây, cho dù cục diện không thuận lợi trên các thị trường thế giới, khối lượng thương mại song phương vẫn giữ ở mức khá cao và sẽ hướng tới con số 10 tỷ USD vào năm 2020.

Đại sứ Vnukov cho rằng, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á- Âu và Việt Nam trong năm 2015 được kỳ vọng trở thành một công cụ quan trong bậc nhất để đạt được mục tiêu này.

Kết quả của việc khởi động cơ chế này là Việt Nam sẽ có được quyền tiếp cận vào một thị trường to lớn và có triển vọng của năm nước gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kirgizia, với số lượng người tiêu dùng là gần 200 triệu.

Theo Đại sứ Vnukov, Việt Nam là nước đầu tiên mà Liên minh kinh tế Á-Âu ký kết một hiệp định như vậy.

Phía Nga cũng đã sẵn sàng trình lên Quốc hội để phê chuẩn Hiệp định trên vào đầu năm tới, để làm sao cùng các đối tác trong Liên minh kinh tế kết thúc tiến trình này vào quý I/2016.

Một trong những trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt vẫn là tổ hợp nhiên liệu-năng lượng, với các dự án như Nhà máy điện hạt nhân "Ninh Thuận-1", hoạt động của Liên doanh "Vietsovpetro", mở rộng và nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất…Ngoài ra, hai bên đã bắt đầu việc xây dựng tại Việt Nam Nhà máy nhiệt điện "Long Phú -1", với giá trị khoảng 1,6 tỷ USD.

Biển Đông không phải nơi của sự đối đầu và quân sự hóa

Theo Đại sứ Vnukov, hợp tác về quân sự và kỹ thuật-quân sự Nga- Việt mang tính chất truyền thống và không nhằm chống lại các nước thứ ba.

Các hợp đồng về cung cấp cho các nhu cầu của Quân đội Việt Nam các thể loại hiện đại nhất về vũ khí trong lĩnh vực hải quân đang được thực hiện nhanh chóng, bao gồm cả các tàu ngầm, máy bay chiến đấu, mà nhiều trong số đó không cần phải quảng cáo, chúng đang chứng minh những kết quả cao trong quá trình chiến dịch chống khủng bố trên lãnh thổ Syria.

Về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Đại sứ Vnukov cho biết: Nga không phải là một bên trong tranh chấp này, nhưng với tư cách là một cường quốc Á- Âu, Nga cực kỳ quan tâm đến việc làm sao để Biển Đông- nơi đang có sự hoạt động thành công của các công ty dầu khí của Nga trở thành một nơi không phải dành cho sự đối đầu và quân sự hóa, mà là dành cho hoạt động kinh tế chung, cho hợp tác trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cuộc đấu tranh chống tội phạm trên biển và hậu quả thiên tai.

Trong việc này, Việt Nam và những đối tác khác của Nga từ các nước ASEAN có thể hy vọng vào sự giúp đỡ và ủng hộ toàn diện của chúng tôi.

Liên quan đến bản thân các tranh chấp, xuất phát từ kinh nghiệm của Liên bang Nga- một đất nước đã giải quyết một cách thành công các vấn đề về lãnh thổ với toàn bộ các nước láng giềng ở hướng Tây và hướng Đông, chúng tôi tin tưởng rằng, không có lựa chọn nào khác ngoài các biện pháp mang tính ngoại giao- chính trị.

Chúng tôi hiểu rằng, việc thảo luận về tổ hợp đề tài về Biển Đông phải được lấy cơ sở trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và bản Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông năm 2002. Nga sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm giải quyết vấn đề tranh chấp về lãnh thổ.

Trong năm 2015, trong khuôn khổ của Tổ công tác song phương cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên, hai bên đã thống nhất 17 dự án chung với số tiền hơn 20 tỷ USD trong các lĩnh vực như chế tạo máy, năng lượng điện, khai thác khoáng sản, công nghiệp nhẹ.
Các công ty Nga đang thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam 114 dự án với số tiền gần 2 tỷ USD, còn các công ty Việt Nam trên lãnh thổ Nga đang thực hiện 18 dự án với khối lượng vốn là 2,4 tỷ USD.

Vũ Luyện