Hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai bên xúc tiến thương mại trong bối cảnh trong và sau dịch Covid-19. Ảnh: TL
Ngày 28/4 đã diễn ra Hội thảo trực tuyến "Xúc tiến thương mại Việt Nam- Ấn Độ cơ hội và thử thách hậu Covid-19" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai bên xúc tiến thương mại trong bối cảnh trong và sau dịch Covid-19.
Tại hội thảo, đại diện 2 bên đã trao đổi về những ảnh hưởng do tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế và sự hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ. Bên cạnh đó, 2 nước cũng đề ra các giải pháp thực tiễn nhằm tìm kiếm cơ hội và khắc phục những hậu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chính phủ Việt Nam đánh giá cao Ấn Độ với vị thế đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn còn những tiềm năng bỏ ngỏ chưa được khai thác, dù đều có nền tảng kinh tế đang phát triển nhanh chóng, có tầng lớp lao động trẻ trung, năng động.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) Vũ Bá Phú cho biết, tại khu vực Trung Nam Á, Ấn Độ với số dân gần 1,4 tỷ người, là thị trường lớn, có tiềm năng tiêu thụ lớn nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như chè, hạt tiêu, cao su, xơ, sợi dệt, dệt may, giày dép, hóa chất, mây tre cói thảm, chất dẻo nguyên liệu, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, v.v… nên được Chính phủ và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hết sức quan tâm.
Đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD, Ấn Độ chia sẻ, Ấn Độ đã có mối quan hệ mật thiết với Việt Nam từ năm 1950. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Ấn Độ, đó là một ví dụ hoàn hảo về chính sách hướng Đông của Ấn Độ và chính sách hướng Tây của Việt Nam với rất nhiều cơ hội kinh doanh.
Các doanh nghiệp Ấn Độ hết sức quan tâm tới các chương trình giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam, đồng thời mong muốn có cơ hội đến tham quan, giao dịch tại các triển lãm lớn của Việt Nam khi đại dịch Covid-19 kết thúc, trong đó có Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo) và Triển lãm Công nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, hiện nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ như ONGC - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ, Tập đoàn Essar, NTPC, HCL, GMR… đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, Tập đoàn Essar mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng một khu liên hợp tổng thể trị giá khoảng 8 tỷ USD bao gồm nhà máy điện sử dụng khí, đầu tư các trạm biến áp, công trình truyền tải, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất phân bón.
Ngoài ra, Tập đoàn HCL đã phê duyệt kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam với tầm nhìn, mục tiêu đào tạo, tuyển dụng, phát triển nhân lực cho một chuỗi trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin gồm 10 nghìn – 20 nghìn kỹ sư trên toàn bộ Việt Nam. Trước mắt, HCL cũng mong muốn thành lập một trung tâm công nghệ ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến 650 triệu USD, đồng thời đào tạo và tuyển dụng khoảng 10 nghìn kỹ sư trong 5 năm tới.
Quang Huy