Chiều ngày 1/8, tại Phnôm Pênh (Campuchia) đã diễn ra Hội nghị Các quan chức cao cấp ngoại giao Hợp tác Mê Kông - sông Hằng (MGC) với sự tham dự của các nước: Ấn Độ, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam đề xuất 4 ưu tiên hợp tác Mê Kông - sông Hằng giai đoạn hậu đại dịch
Đại diện các nước tham gia Hội nghị hợp tác Mê Công - sông Hằng. Ảnh: BNG

Hội nghị đánh giá cao những đóng góp tích cực của khuôn khổ MGC đối với hoà bình, phát triển và thịnh vượng của khu vực, nhất là khi các nước thành viên phải đối mặt với nhiều thách thức đan xen, đa chiều. Các nước thành viên MGC triển khai nhiều dự án và chương trình nâng cao năng lực trong nhiều lĩnh vực như y tế cộng đồng và ứng phó với đại dịch Covid-19, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối, đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn di sản văn hoá và hỗ trợ dân sinh.

Hội nghị đã trao đổi các lĩnh vực ưu tiên để đẩy nhanh quá trình thực hiện Kế hoạch hành động MGC giai đoạn 2019 - 2022 sau bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

Trước tiên là tăng cường kết nối Đông - Tây, đặc biệt là mở rộng tuyến cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan sang Campuchia, Lào và Việt Nam. Ưu tiên thứ hai là phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, khoa học tiên tiến. Trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, an ninh y tế tiếp tục là lĩnh vực được các nước ưu tiên, chú trọng cải thiện hệ thống y tế cộng đồng, nghiên cứu và phát triển vắc-xin, dược phẩm và thiết bị y tế…

Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã đề xuất hợp tác MGC giai đoạn hậu đại dịch, chú trọng 4 nhóm vấn đề.

Theo đó, ưu tiên trọng tâm là phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ưu tiên tiếp theo chuyển đổi số, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, qua đó phát triển du lịch thông minh.

Bên cạnh đó là ưu tiên về tăng cường năng lực y tế cộng đồng, bảo đảm quyền tiếp cận công bằng và bền vững vắc-xin, dược phẩm và trang thiết bị y tế; đồng thời, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý bền vững tài nguyên nước, nhất là quản trị hiệu quả, công bằng các dòng sông xuyên biên giới, cảnh báo sớm thiên tai./.