Dự lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức Vụ Pháp chế.

Đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính

Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh, trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ lãnh đạo và công chức Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tận tụy và nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc vai trò tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực tài chính.

Qua đó, đã có nhiều đóng góp cho nhiệm vụ chính trị của ngành, nhất là trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tài chính theo hướng cải cách, đổi mới và hội nhập; tài chính đã khơi thông huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy, mở đường cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kịp thời xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vụ pháp chế - Bộ Tài chính tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng tặng hoa và chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức Vụ Pháp chế qua các thời kỳ. Ảnh: Đức Minh

Trong giai đoạn từ 2003 đến 2023, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành 1 nghị quyết; trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 45 luật, 37 nghị quyết của Quốc hội; trình UBTVQH thông qua 21 nghị quyết, 4 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Chính phủ ban hành 481 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 304 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 4.094 thông tư, thông tư liên tịch, quyết định, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Võ Thành Hưng bày tỏ lời cảm ơn sự đóng góp quan trọng của cán bộ, công chức, người lao động qua các thời kỳ của Vụ Pháp chế.

Vụ pháp chế - Bộ Tài chính tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Minh

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dung đã đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu, những đóng góp và thành tựu tốt đẹp Vụ Pháp chế đạt được trong 20 năm qua, giúp thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, thực hiện các chức năng của ngành Tài chính và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong ngành Tài chính.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng hy vọng và tin tưởng, trong thời gian tới toàn thể cán bộ, công chức Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, chủ động sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ to lớn và trọng trách của ngành Tài chính mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Nỗ lực hơn nữa hoàn thiện thể chế tài chính

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, từ năm 2023 đến năm 2025 là quãng thời gian rất quan trọng, tiền đề trong thực hiện chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Yêu cầu cho việc xây dựng và quản lý điều hành tài chính - ngân sách phải vừa tích cực nhưng vẫn bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ động trong hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia.

Vụ pháp chế - Bộ Tài chính tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập

Thứ trưởng Võ Thành Hưng phát biểu giao nhiệm vụ cho các cán bộ, công chức, viên chức Vụ Pháp chế. Ảnh: Đức Minh

Do đó, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề, là một đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với yêu cầu ngày càng cao đòi hỏi ngành Tài chính phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa hoàn thiện thể chế tài chính với một số trọng tâm như sau:

Thứ nhất, quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối, chiến lược xây dựng và phát triển đất nước trong Cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng đề ra, trên cơ sở đó thể chế hóa vào hệ thống pháp luật tài chính.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế tài chính phải góp phần phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế tài chính cần tiếp tục gắn và tạo cơ sở pháp lý cho cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính cần tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi phương thức quản lý, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính, đáp ứng đòi hỏi cao của sự phát triển khoa học công nghệ.

Thứ năm, thể chế tài chính phải tiếp cận nhanh với các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của việc hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế.

Thứ sáu, riêng về tài chính - ngân sách, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu NSNN một cách đồng bộ, bao gồm cả tái cơ cấu về thu cũng như chi ngân sách và quản lý nợ công theo yêu cầu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Võ Thành Hưng về các nhiệm vụ trọng tâm của Vụ Pháp chế trong thời gian tới, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Tài chính là xây dựng và quản lý điều hành tài chính - ngân sách phải vừa tích cực nhưng vẫn đảm bảo thận trọng, chặt chẽ; chủ động trong hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia./.