Vũ Hoa

Một góc trung tâm tài chính và thương mại lớn nhất Hong Kong. Ảnh: yimg.com

Theo World Bank, 3 quốc gia nhỏ bé ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương này dẫn đầu bản báo cáo môi trường kinh doanh hàng năm của ngân hàng này. Bản báo cáo được công bố hôm 29/10 nhằm tập trung vào những nơi mà các doanh nghiệp được trợ giúp tốt nhất và ít bị chính phủ cản trở việc kinh doanh.

Top 10 nước này còn có Đan Mạch, Hàn Quốc, Na Uy, Mỹ, Anh, Phần Lan và Australia, phần lớn là những nền kinh tế phát triển giống như những năm trước.

Tuy nhiên, bản báo cáo mặc dù đã phải sửa đổi phương pháp sau khi làm xáo trộn Trung Quốc trong những năm qua, đã để gã khổng lồ trong những thị trường mới nổi xuống phía dưới danh sách, dù nước này chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thành công trong thu hút đầu tư.

Trung Quốc xếp thứ 90 trong tổng số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu như không được cải thiện nhiều so với vị trí 93 năm ngoái. Brazil tăng 3 bậc lên vị trí thứ 120 trong khi Ấn Độ xếp thứ 142, thấp hơn 2 bậc so với năm ngoái.

Cả 3 quốc gia này đều xếp thấp hơn các nền kinh tế đang có vấn đề và môi trường đầu tư khó khăn như Nga và Hy Lạp.

Tuy nhiên, điều đó chỉ nhấn mạnh trọng tâm hẹp của cuộc khảo sát này xét về mặt đánh giá thành công của một quốc gia.

Kinh tế trưởng tại WB, ông Kaushik Basu thừa nhận bản báo cáo này “chỉ là một đoạn mảnh mai trong một chuỗi phức tạp của bất cứ nền kinh tế hiện đại nào, tựa như một sinh vật phức tạp nhất”. Một nền kinh tế có thể không làm tốt trong chỉ số kinh doanh này, nhưng lại làm tốt trong chính sách kinh tế vĩ mô hay các can thiệp phúc lợi xã hội.

Điểm đánh giá môi trường hoạt động cho một doanh nghiệp, bao gồm việc dễ dàng để thành lập một công ty, chuyển nhượng tài sản hoặc giải quyết tranh chấp thương mại; thời gian và chi phí thanh toán bù trừ hàng xuất nhập khẩu một cửa; dễ dàng kết nối điện, và các vấn đề khác mà bất cứ chủ doanh nghiệp ở bất cứ nước nào cũng phải đối mặt.

Các quy tắc thông minh

Theo những điểm đánh giá này, Singapore trong những năm gần đây luôn ở vị trí đầu với 88,27 điểm và New Zealand tiếp sau với 86,91 điểm.

Tất cả 30 quốc gia ở top đầu đều có điểm số trên 74 trong khi top 5 nước cuối cùng gồm nước biệt lập Eritrea tại khu vực Đông Phi ở cuối với điểm số dưới 40.

Sự tương phản giữa nước có điểm số cao nhất và thấp nhất lý giải vì sao Singapore được đánh giá cao và thành công như vậy.

Các doanh nghiệp ở đảo quốc Đông Nam Á này chỉ mất 2 ngày rưỡi để mở một công ty, 31 ngày để có điện cho kinh doanh và 4 ngày với 440 USD để nhập một container hàng.

Trong khi đó tại Eritrea, một thương nhân lại cần trung bình 84 ngày để thành lập công ty, 59 ngày để có điện và 59 ngày cùng với 2.000 USD để nhập một container.

Basu nhấn mạnh rằng, cuộc điều tra không phải là một thước đo mức độ can thiệp của chính phủ trong nền kinh tế. "Một số lượng đáng kể trong số 30 nền kinh tế hàng đầu trong xếp hạng môi trường kinh doanh này đến từ một truyền thống mà chính phủ đã có một sự hiện diện khá nổi bật trong nền kinh tế”.

"Các nền kinh tế hàng đầu thực hiện..., do đó không phải là không có quy định, nhưng đó là những quốc gia mà chính phủ đã quản lý để tạo ra các quy định tạo điều kiện tương tác trên thị trường mà không gây trở ngại không cần thiết đến sự phát triển của khu vực tư nhân", ông Basu cho biết.

Cuối cùng, bản báo cáo này là về các quy định khôn khéo để cung cấp tối ưu cho việc vận hành kinh doanh thuận lợi. Bởi bí quyết thành công là phải có các quy tắc thiết yếu và các quy định tại chỗ - nhưng quan trọng hơn là phải có một hệ thống tốt để thay thế các quyết định không tốt một cách nhanh chóng và có thể dự đoán, để các doanh nghiệp nhỏ và bình thường không cảm thấy bị quấy rối./.

Vũ Hoa (theo AFP)