Đó là vấn đề được đặt ra tại diễn đàn "Phát huy vai trò của DN trong xây dựng NTM” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 23/8/2013, tại Hà Nội.

DN đóng vai trò chủ yếu

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của DN trong quá trình xây dựng NTM, ông Ngô Tiến Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho biết, trên thế giới có nhiều nước đã ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp và đã gặt hái được nhiều thành công. Điển hình như Isarel - một nước bán sa mạc, khí hậu khắc nghiệt nhưng họ đã làm điều kì diệu về nền nông nghiệp xanh công nghệ cao trên hoang mạc.

Tại Việt Nam, Tập đoàn TH TrueMilk đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nâng cao hiệu suất canh tác, biến 1 ha đất trước đó chỉ cho thu hoạch khoảng 70 triệu đồng/năm, bây giờ nhờ áp dụng trồng cỏ, cao lương…làm thức ăn để nuôi bò theo phương pháp áp dụng công nghệ cao đã cho thu hoạch từ 500 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm…

Diễn đàn NTM
Hơn 300 đại biểu tham dự Diễn đàn xây dựng NTM. Ảnh: Diệu Hoa

Đồng tình với ý kiến trên, TS.Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI đánh giá: "Với thực tế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, muốn phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất, hay tăng hàm lượng “chất xám”, hoặc đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tạo nên lợi thế cạnh tranh, thì không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Bởi ngoài tiềm lực về kinh tế, đầu tư vốn cho những mô hình sản xuất hiệu quả, DN còn làm tốt khâu quản lý trong phân phối, tiếp thị và nâng cao giá trị nông sản”.

Cần tính lại bài toán cơ chế

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM, vốn thực hiện chương trình theo chủ trương của Nhà nước gồm: Nhà nước đóng góp 40%, DN - hợp tác xã 20%, tín dụng 30%, dân và cộng đồng đóng góp 10%.

Nhưng trên thực tế, Nhà nước đóng góp 50%, DN 5%, tín dụng 25-30% và dân góp 15-20%. Nhìn vào số liệu này, có thể thấy thực tế đang thiếu vắng vai trò của DN, nguồn lực quan trọng này vẫn chưa được phát huy đúng mức.

Để DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn, các chuyên gia đều cho rằng, cần phải tính lại bài toán cơ chế và các chính sách ưu đãi.

Là một trong những DN đi đầu trong việc thực hiện liên kết 4 nhà trong nông nghiệp, ông Đàm Quang Thắng - Tống giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam kiến nghị: Nhà nước và các cơ quan hữu quan cần tạo điều kiện thông thoáng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bỏ bớt rào cản về pháp lệnh, quy định, thông tư hướng dẫn, tạo sân chơi lành mạnh cho DN vừa và nhỏ phát triển.

Bên cạnh đó, có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được với các gói hỗ trợ của Nhà nước như vốn, lãi suất. Đồng thời, cần có nguồn vốn, chương trình tín dụng ưu đãi gắn với những chính sách mang tính đặc thù, dài hạn để DN an tâm đầu tư và góp một phần công, trách nhiệm của mình cho công cuộc xây dựng NTM.

Về phía các hiệp hội, các DN, chủ sản xuất, cần liên kết, phối hợp để đưa các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ra thị trường một cách tốt nhất, bền vững nhất; cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển, đảm bảo thương hiệu, chất lượng, định vị của các thương hiệu nông sản Việt./.


Phúc Nguyên