Xuất khẩu nông lâm thủy sản tự tin cán đích
Xuất khẩu nông lâm thủy sản tự tin cán đích. Ảnh: Khánh Linh

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt kỷ lục

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn về xâm nhập mặn, hệ thống hạ tầng kho bãi chế biến còn hạn chế, mức đầu tư cho nông nghiệp cũng chưa cao, nhưng xuất khẩu nông sản của chúng ta đã và đang về đích tương đối tích cực.

Cụ thể, tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngành trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản là 3 ngành đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành, trong đó trồng trọt đạt 19,3 tỷ USD, tăng gần 14% so với năm ngoái.

11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 43,48 tỷ USD; trong đó, riêng tháng 11/2021, xuất khẩu đã đạt hơn 4,1 tỷ USD.

Nhiều mặt hàng đạt kết quả ấn tượng như xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm nay cũng vượt mục tiêu đặt ra ngoạn mục với trị giá 14,3 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021, chắc chắn đạt trên 15 tỷ USD cả năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản đạt 8 tỷ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2020; nhưng tích cực nhất là xuất khẩu hai tháng qua liên tục tăng trưởng cao khi các biện pháp giãn cách được tháo gỡ...

Phân tích nguyên nhân có được kết quả trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngoài việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, thì ngành nông nghiệp đã chủ động linh hoạt thích ứng với diễn biến dịch Covid-19, duy trì sản xuất đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, "Có thể thấy, ngay từ tuần đầu, tháng đầu của năm 2021, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thực hiện các chiến lược của từng ngành, từ đó tạo ra dư địa xuất khẩu lớn. Trong tháng 7, 8, 9, tiêu thụ nông sản gặp khó do tác động của dịch Covid-19, hai tổ công tác đặc biệt của bộ đã kịp thời được thành lập, trực tiếp giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch, nhờ đó, tháng 10, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tăng trưởng trở lại" - ông Phùng Đức Tiến phân tích.

Nhu cầu các thị trường chính tăng thúc đẩy xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu duy trì đà xuất khẩu như tháng 11/2021, tháng 12/2021 cũng đạt trên 4 tỷ USD thì năm 2021 xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt khoảng 47 tỷ USD, vượt so với Chính phủ giao là trên 5 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, dự kiến từ nay đến cuối năm và sang tháng 1/2022, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu các thị trường chính đều tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều quốc gia sẽ tăng cường nhập nông sản, thực phẩm để chủ động đối mặt với những diễn biến xấu.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nên xuất khẩu nông sản cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là khâu vận chuyển, lưu thông. Mặc dù đạt con số ấn tượng về giá trị xuất khẩu, nhưng xuất siêu lại giảm khá sâu khoảng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, và phân bón tăng mạnh trong thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn tới việc sụt giảm trên...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với việc chủ động tìm hiểu, tháo gỡ vướng mắc của từng thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng phương án sản xuất, điều tiết các kênh phân phối… Cùng với đó, tiếp tục khai thác, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia...

Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu với các sản phẩm, đặc biệt là những thị trường có tỷ trọng xuất khẩu cao như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong quá trình xuất khẩu, khi có vướng mắc tại các thị trường, gặp phải các rào cản kỹ thuật, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ ngay khó khăn.../.