bội chi quỹ bảo hiểm y tế

BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều tỉnh trên cả nước. Ảnh minh họa (nguồn dangcongsan.vn)

Nhiều tỉnh liên tục bội chi quỹ

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều tỉnh. Thậm chí, một số tỉnh bội chi quỹ khám chữa bệnh liên tục nhiều năm như Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Nam, Vĩnh Long.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này, theo cơ quan BHXH, là do công tác phát triển đối tượng tham gia chưa đạt kết quả, mục tiêu đề ra. Trong số 19 tỉnh bị bội chi quỹ KCB BHYT năm 2013, có 12/19 tỉnh có tỉ lệ tham gia BHYT năm 2013 thấp (<63% dân số).

Còn theo số liệu báo cáo của các tỉnh 6 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ tham gia của một số tỉnh vẫn rất thấp đó là: An Giang (49%), Kiên Giang (47%), Bạc Liêu (49%); Cà Mau (50%); Đồng Tháp (52%); Cần Thơ (54%); Tiền Giang (55%); Vĩnh Long (56%), Hưng Yên (57%); Bến Tre (59%). Bình Thuận (54%), Tây Ninh (49%), Hậu Giang (53%), Hà Nam (59%), Phú Yên (59%).

Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám định chi phí KCB BHYT chưa đáp ứng đúng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tình trạng lạm dụng, lãng phí quỹ KCB BHYT chưa được khắc phục một cách có hiệu quả, nhiều cơ sở KCB BHYT còn chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật... quá mức cần thiết.

Cũng theo Bảo hiểm Xã hội, qua phân tích số liệu chi phí KCB năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, một số tỉnh có chi phí KCB bình quân một lượt điều trị cao so với mức chi bình quân chung toàn quốc. Điển hình như KCB ngoại trú có Hưng Yên, Hải Phòng, Phú Thọ; nội trú có Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Hay tỷ lệ chi cho xét nghiệm, thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh (Cận lâm sàng) cao trên 30% chi phí ngoại trú: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội. Tỷ lệ chi cho cận lâm sàng trong điều trị nội trú cao, chiếm gần 30% chi phí KCB nội trú, gồm: Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Phú Thọ....

Ngoài ra, một số tỉnh có tỉ lệ chi cho thủ thuật, phẫu thuật cao như Bạc Liêu, Cà Mau, hoặc chi cho dịch vụ kỹ thuật cao như Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, công tác đấu thầu, quản lý, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế còn nhiều bất cập. Giá một số thuốc thanh toán BHYT tại một số tỉnh còn có sự chênh lệch cao hơn nhiều so với các tỉnh trong khu vực theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012. Đồng thời, giá thuốc thanh toán BHYT còn cao hơn giá kê khai, kê khai lại còn hiệu lực; Thanh toán chi phí thuốc vượt kế hoạch được phân bổ của Hội đồng đấu thầu thuốc tại các cơ sở KCB...

Thực hiện ngay giải pháp giảm nguy cơ bội chi quỹ

Để kịp thời có các giải pháp khắc phục, hạn chế tối đa tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT năm 2014, BHXH Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện ngay một số nội dung cụ thể ngay trong tháng cuối năm 2014.

Cụ thể, BHXH các tỉnh cần đánh giá tình hình thực hiện công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHYT năm 2014, phân tích rõ nguyên nhân, tồn tại của việc phát triển BHYT chậm ở những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp và đề ra giải pháp khắc phục, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2014.

Đẩy mạnh hoạt động đôn đốc thu hồi nợ của Tổ thu nợ BHXH liên ngành, Tổ thu nợ của BHXH các tỉnh. Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Y tế để tăng cường hiệu quả tham gia đấu thầu, cung ứng thuốc theo đúng quy định, lựa chọn thuốc có chất lượng, giá cả phù hợp, cơ cấu thuốc hợp lý.

Giám đốc BHXH các tỉnh phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra công tác khám chữa bệnh; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật BHYT, nhất là hành vi lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Trong đó đặc biệt lưu ý việc phối hợp kiểm tra, rà soát danh mục và cơ cấu giá của các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) thực hiện tại các cơ sở KCB trên địa bàn theo đúng quy định, nhất là các DVKT có nguy cơ lạm dụng cao như xét nghiệm cận lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, DVKT đầu tư từ nguồn xã hội hóa.... Phân tích, xác định nguyên nhân vượt quỹ KCB, vượt trần tuyến 2 của cơ sở KCB để kịp thời điều chỉnh.

Kiểm tra, giám định chặt chẽ hoạt động cung ứng, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế tại cơ sở KCB, đảm bảo tính hợp lý, an toàn và hiệu quả trong suốt quá trình điều trị; Công tác thống kê, xác định chi phí thuốc, VTYT đảm bảo đúng người, đúng bệnh, đúng chi phí (lưu ý quy trình KCB tại cơ sở KCB từ khi đón tiếp bệnh nhân đến khi người bệnh được nhận thuốc, VTYT và thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT).

Đối với BHXH các tỉnh bị bội chi quỹ KCB BHYT trong 9 tháng đầu năm 2014, phải xác định rõ nguyên nhân bội chi, xây dựng kế hoạch, các giải pháp cụ thể, mục tiêu phấn đấu năm 2014 cân đối được quỹ KCB, báo cáo BHXH Việt Nam./.

Bùi Lan