TT

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 đồng chủ trì Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện 12 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên Ban Điều hành ASOSAI.

Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững

Tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56, các thành viên Ban Điều hành tập trung thảo luận và thông qua những vấn đề quan trọng của ASOSAI gồm: các báo cáo về tình hình tài chính của ASOSAI, báo cáo về thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016 - 2021 và Dự thảo Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn mới 2022-2027, báo cáo của các Nhóm công tác, đặc biệt là 2 nhóm công tác mới của ASOSAI là Nhóm kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững và Nhóm kiểm toán quản lý khủng hoảng.

Theo SAI Thái Lan, đại dịch Covid-19 đã định hình lại tương lai của kiểm toán khu vực công, dẫn đến cải cách mới dưới những thách thức trong giai đoạn bình thường mới. Mặc dù đại dịch là một trở ngại đầy thách thức đối với kiểm toán khu vực công, nhưng nó tạo ra cơ hội phát triển trong trạng thái bình thường mới, đặc biệt là tận dụng các công nghệ kiểm toán từ xa và làm việc từ xa.

Tại cuộc họp, đại diện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Malaysia đề xuất thiết lập Uỷ ban đặc biệt nghiên cứu về tính khả thi việc thành lập Nhóm công tác về kiểm toán doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh đặt ra những thách thức về quản trị của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại nhiều quốc gia.

Theo KTNN Malaysia, lý do thành lập uỷ ban đặc biệt này vì khối DNNN quản lý thiếu hiệu quả về tài chính và vận hành. Điều này đòi hỏi phải có báo cáo toàn diện, đầy đủ về kiểm toán cấp quốc tế, trên cơ sở đó đảm bảo tính minh bạch trong vận hành cũng như trách hiệm giải trình, tuân thủ luật pháp của DNNN. Các SAI thành viên ban điều hành đã thống nhất thông qua đề xuất này do KTNN Malaysia làm chủ tịch nhóm này.

Báo cáo về việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2021, ông Nguyễn Bá Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, KTNN Việt Nam cho biết, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 do phía Việt Nam đăng cai, lần đầu tiên, Tuyên bố Hà Nội ra đời với thông điệp chính "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" đã trở thành văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Từ 16 báo cáo của 14 SAI trên tổng số 47 SAI thành viên, 1 ủy ban và 1 nhóm công tác ASOSAI, có tổng số 60 cuộc kiểm toán môi trường đã được thực hiện chủ yếu dưới loại hình kiểm toán hoạt động, chủ đề hết sức đa dạng và bao trùm lên hầu hết tất cả các lĩnh vực môi trường, như: quản lý chất lượng không khí, biển, tài nguyên nước; xử lý chất thải, quản lý chất thải y tế; quan lý phế liệu nhập khẩu, năng lượng tái tạo; bảo tồn thiên nhiên, chống tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất... Ngoài ra, có tổng số 35 cuộc kiểm toán SDGs đã được thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2021. Tất cả các SAI thành viên gửi thông tin đều đã thực hiện ít nhất một cuộc kiểm toán liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Chủ đề kiểm toán tập trung vào những lĩnh vực có ý nghĩa to lớn trong việc mang lại giá trị và lợi ích cho người dân, như: nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ phúc lợi cho người dân; phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục công; cung cấp an ninh lương thực bền vững,,,

Tại cuộc họp, các SAI cũng nghe SAI Hàn Quốc trình bày Báo cáo về Ủy ban đặc biệt nghiên cứu tính khả thi của của việc thành lập nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI. Theo SAI Hàn Quốc, trong bối cảnh đại dịch diễn ra hết sức phức tạp cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống, mỗi chúng ta phải trân trọng giá trị về sự an toàn của từng quốc gia. Vì vậy, phải đối mặt với việc quản lý khủng hoảng như thế nào nên cần phải có những phương pháp để chúng ta có một cái cơ chế minh bạch, rõ ràng để thúc đẩy việc chính phủ tham gia ứng phó với những khủng hoảng.

"Chúng tôi đã thành lập Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI. Nhóm này có sự tham gia của 42 SAI thành viên. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ thông tin về tầm quan trọng của kiểm toán khủng hoảng và cũng như xây dựng sự đồng thuận tính khả thi về lập một báo cáo nghiên cứu về quản lý khủng hoảng."- đại diện Hàn Quốc cho biết.

Hỗ trợ 200.000 USD cho một số thành viên

Theo báo cáo của Tổng Thư ký ASOSAI - KTNN Trung Quốc, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia thành viên ASOSAI, tháng 3/2021, ASOSAI đã thông qua việc sử dụng 200.000 USD để hỗ trợ các SAI thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thành lập Ủy ban quản lý các khoản tài trợ của ASOSAI gồm 5 nước, gồm: Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021 - KTNN Việt Nam, Ban Thư ký (KTNN Trung Quốc), Chủ tịch ASOSAI kế nhiệm (KTNN Thái Lan), KTNN Hàn Quốc và KTNN Malaysia, trong đó Ban Thư ký giữ vai trò chủ tịch. Ủy ban có trách nhiệm quản lý quỹ sử dụng minh bạch và đúng đối tượng.

Phát biểu kết luận, Tổng KTNN Việt Nam Trần Sỹ Thanh đánh giá những kết quả đạt được của Cuộc họp Ban điều hành 56 càng chứng tỏ một tổ chức ASOSAI "chuyên nghiệp, hợp tác, hòa nhập, đổi mới và sẵn sàng ứng phó" với xu thế biến động không ngừng của khu vực và thế giới. Ban điều hành cũng đã bầu KTNN Ấn Độ là Chủ tịch ASOSAI lần thứ 16, nhiệm kỳ 2024 - 2027.

Dương An