Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Bắc Giang là 10.802 tỷ đồng (bao gồm cả vốn Thủ tướng Chính phủ giao và vốn địa phương giao thêm). Tính đến ngày 16/11 vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã giải ngân được 7.114 tỷ đồng, đạt 85,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 65,9% kế hoạch UBND tỉnh giao.

Chia sẻ về kết quả này, ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bắc Giang cho biết, đây là những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương khi luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành thúc đẩy giải ngân, trong đó KBNN Bắc Giang là thành viên. Tổ công tác đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Hàng tháng, Tổ công tác báo cáo kết quả về UBND tỉnh để có chỉ đạo, xử lý kịp thời các vướng mắc.

Bắc Giang: Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi kết thúc năm
Dự án khối nhà chuyên khoa đặc thù 7 tầng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Ảnh: H.T

Đặc biệt, theo báo cáo từ các chủ đầu tư, ngoài các nguyên nhân như giá một số nguyên vật liệu tăng cao thời gian qua, cũng như do nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh (nhất là nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương) còn hạn hẹp nên tại một số dự án, việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng được so với tiến độ thi công, thì vướng mắc nhất hiện nay là công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Nguyên nhân chủ yếu do một số hộ dân không nhất trí với phương án bồi thường, yêu cầu đền bù, thắc mắc về đơn giá, diện tích, vị trí thu hồi đất, gây cản trở thi công.

Tính đến ngày 16/11 vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã giải ngân được 7.114 tỷ đồng, đạt 85,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 65,9% kế hoạch UBND tỉnh giao.

Tuy nhiên, những khó khăn này đã được tỉnh Bắc Giang kịp thời tháo gỡ bằng các giải pháp như ban hành văn bản quy định chế độ phối hợp chủ đầu tư với địa phương trong GPMB; nêu cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác GPMB… Do đó, các vướng mắc trong công tác đền bù GPMB hầu như được giải quyết kịp thời.

Về phía KBNN Bắc Giang, để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân trên địa bàn tỉnh, ông Tuấn cho biết, KBNN Bắc Giang đã luôn phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện nhanh các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn khi có khối lượng hoàn thành, không dồn vào cuối quý, cuối năm.

Ngoài việc đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến giúp cho nguồn vốn đến nhanh được các dự án, công trình, KBNN Bắc Giang đã áp dụng linh hoạt 2 phương thức thanh toán là “thanh toán trước, kiểm soát sau” và "kiểm soát trước, thanh toán sau” đã góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bắc Giang tăng cao.

Chủ đầu tư quyết liệt triển khai các dự án

Ông Tuấn cũng cho biết, yếu tố góp phần đưa tỷ lệ giải ngân của tỉnh Bắc Giang tăng cao còn phải kể đến sự quyết liệt trong công tác triển khai dự án và thúc đẩy giải ngân của các chủ đầu tư. Do đó, tỷ lệ giải ngân của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA) trên địa bàn đều đạt cao, điển hình như BQLDA các công trình giao thông – nông nghiệp đã giải ngân đạt 65% kế hoạch vốn được giao; BQLDA các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh giải ngân ngân đạt 58% kế hoạch vốn giao…

Bắc Giang: Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi kết thúc năm
Công chức KBNN Bắc Giang đang thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: H.T

Năm 2022, BQLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang thực hiện 18 dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, trong đó có một số dự án nối tiếp từ các năm trước với tổng vốn được duyệt 552 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Đô – Giám đốc BQLDA cho biết, quá trình thực hiện các dự án bảo đảm tiến độ đề ra, không có dự án bị chậm, vướng mắc về giải ngân vốn. Trong đó, một số dự án trọng điểm của tỉnh có vốn được phê duyệt lớn trong năm cũng đang được triển khai theo đúng tiến độ như: Khối nhà chuyên khoa đặc thù 7 tầng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng, Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh có tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng.

Với các giải pháp đã và đang thực hiện, cùng sự đồng lòng của các cấp ủy chính quyền địa phương cũng như của các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, BQLDA, tỉnh Bắc Giang đang kỳ vọng sẽ đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất, tạo đà cho công tác giải ngân năm 2023.

“Đến thời điểm này, đã có một số dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Dự án đầu tư xây dựng mới Trường Chính trị tỉnh; Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô giường bệnh Trung tâm Y tế các huyện Tân Yên, Hiệp Hòa... Dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ có thêm hai dự án nữa hoàn thành gồm khối nhà chuyên khoa đặc thù 7 tầng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Việt Yên” - ông Đô cho biết.

Cũng theo ông Đô, có được kết quả trên là do đơn vị đã chủ động đăng ký, bố trí vốn bảo đảm yêu cầu các công trình dự án. Cùng với đó, đơn vị đã thường xuyên đôn đốc các nhà thầu tăng cường nhân lực, vật tư, trang thiết bị, lập tiến độ thi công, xây dựng kế hoạch công việc cụ thể cần thực hiện theo tuần, tháng; bố trí cán bộ có kinh nghiệm quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng tại hiện trường; duy trì thường xuyên việc kiểm điểm tiến độ thi công nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu.

Với tỷ lệ giải ngân đạt 65% kế hoạch vốn được giao, ông Hoàng Thế Hưng – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông – nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, ngay khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, đơn vị đã xây dựng tiến độ thực hiện cho dự án, trong đó đưa ra các mốc thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng và giải phóng mặt bằng đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra. Theo đó, các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư đều có tiến độ thi công và giải ngân vốn kịp thời.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là kết thúc năm, với các giải pháp đã và đang thực hiện, cùng sự đồng lòng của các cấp ủy chính quyền địa phương cũng như của các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, BQLDA, tỉnh Bắc Giang đang kỳ vọng sẽ đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất, tạo đà cho công tác giải ngân năm 2023.