Hơn 2.500 văn bằng được bảo hộ sở hữu công nghiệp

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh, trong xu thế cạnh tranh thương mại gay gắt như hiện nay, việc đăng ký cấp bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp là phương thức để bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân khi chứng minh mình là chủ sở hữu sản phẩm, kiểu dáng nếu có tranh chấp xảy ra; giữ vững khả năng cạnh tranh trên thị trường được lãnh đạo và các ban, ngành tỉnh Bắc Ninh quan tâm thúc đẩy.

Bắc Ninh: Đến năm 2030, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu về trình độ sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ
Sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh được quảng bá tại hội chợ hàng chất lượng cao Việt Nam. Ảnh: TL

Trong 10 năm, giai đoạn 2012-2022, Bắc Ninh đã có 5.038 đơn đăng ký và 2.536 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp, nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm. Điều này chứng tỏ nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động hỗ trợ và sự cải thiện rõ rệt về nhận thức của các tổ chức, cá nhân đối với công cụ hữu ích này.

Giai đoạn 2018-2023, các ngành, địa phương triển khai thực hiện đăng ký bảo hộ được 32 nhãn hiệu thuộc sở hữu chung của cộng đồng là các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đặc sản chủ lực của tỉnh, trong đó có 15 nhãn hiệu tập thể, 16 nhãn hiệu chứng nhận và 1 chỉ dẫn địa lý.

Tiêu biểu như các sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận có tương Đình Tổ, đậu Trà Lâm, nem Bùi (thị xã Thuận Thành); bánh phu thê Đình Bảng, gạo nếp nhung Tam Sơn (thành phố Từ Sơn); bánh tẻ làng Chờ, bánh đa nem Yên Phụ, nếp cái hoa vàng Yên Phụ (huyện Yên Phong); Cà rốt (huyện Gia Bình) và gạo tẻ thơm (thị xã Quế Võ)...

Sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (TP Từ Sơn); gốm Phù Lãng, lhoai tây (thị xã Quế Võ); đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai (huyện Gia Bình); gà Hồ, đồ gỗ mỹ nghệ Bình Cầu (thị xã Thuận Thành); mây tre đan Xuân Hội (huyện Tiên Du)… tỏi An Thịnh (huyện Lương Tài) là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh, được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý của cả nước.

Để có được kết quả trên, Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh tích cực triển khai các giải pháp đồng hành cùng địa phương, tổ chức, cá nhân. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, đơn vị tổ chức 88 lớp tập huấn và 66 hội thảo về sở hữu trí tuệ với tổng số 11.000 lượt người tham dự; tổ chức 23 hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã xây dựng thương hiệu…

Bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới

Có thể nói, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của tỉnh ngày càng được chú trọng. Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bắc Ninh thông qua với mục tiêu cốt lõi là phấn đấu đến năm 2030, Bắc Ninh thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Bắc Ninh: Đến năm 2030, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu về trình độ sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ
Tỉnh Bắc Ninh quan tâm khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, gắn với bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh: TL

Cụ thể hoá mục tiêu này, Sở KH&CN Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các hoạt động tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ; tăng cường nguồn nhân lực; gia tăng tài sản trí tuệ mới cả về số lượng và chất lượng.

Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tổng hợp hệ thống tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thuộc các đối tượng: doanh nghiệp, các trường học; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; tri thức truyền thống của các địa phương (các làng nghề, sản phẩm gắn với địa danh, văn hóa phi vật thể,…).

Triển khai thực hiện đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025; xác định một số đề án, nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện cho giai đoạn 2021-2025; tăng cường tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, sáng kiến, các văn bản và quy định của pháp luật; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn tỉnh và hệ thống phần mềm quản lý, phát hiện vi phạm trên môi trường số, mạng internet; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Các chính sách mới góp phần tạo điều kiện về hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh thuận lợi trong việc phát triển tài sản trí tuệ.

Riêng chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/ nhãn hiệu đối với hoạt động tư vấn thiết kế, tra cứu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tại thị trường trong nước (tối đa 3 nhãn hiệu hàng hóa/ doanh nghiệp); 10 triệu đồng/nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài (tối đa 2 nhãn hiệu hàng hóa/doanh nghiệp) tạo sự khích lệ lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.