Doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn nhanh, giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thời báo Tài chính Việt Nam khởi đăng loạt bài làm rõ những hành vi gian lận tinh vi của các đối tượng chiếm đoạt trái phép tiền hoàn thuế giá trị gia tăng; những giải pháp mà ngành Tài chính tập trung thực hiện trong quản lý thuế, kiểm soát việc kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng...

Để ngăn chặn hành vi gian lận tiền hoàn thuế, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau hoàn thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế..., tuy nhiên các hành vi gian lận tiền hoàn thuế ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn vô cùng tinh vi.

Dùng chiêu “ve sầu thoát xác” để hợp thức hóa đơn

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) được hoàn nhanh, giúp doanh nghiệp (DN) có được dòng tiền, quay vòng vốn nhanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, nhiều đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế, đặc biệt là tình trạng thành lập DN “ma” mua bán hóa đơn lòng vòng; kê khai, nâng khống hàng hóa xuất khẩu để được hoàn thuế GTGT, gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Không chỉ gây thất thu cho ngân sách, hành vi gian lận tiền hoàn thuế GTGT đã tạo ra sự bất công bằng giữa các DN, sự méo mó trong môi trường kinh doanh.

Thực tế thời gian qua ở một số địa phương cho thấy, các đối tượng phối hợp dàn dựng, tạo bút toán pháp lý qua mặt sự kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng để trục lợi tiền hoàn thuế GTGT hết sức tinh vi và bài bản. Vụ án do đối tượng Hoàng Thị Hậu (50 tuổi) tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cầm đầu mới đưa ra xét xử vừa qua là một điển hình.

Ông Đinh Nho Hậu – Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết, mặc dù sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, song để hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế GTGT, Hoàng Thị Hậu đã móc nối mượn hàng của các chủ hàng, chủ xe tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, sau đó đứng tên Công ty Hào Hùng do đối tượng này và một số đối tượng khác câu kết thành lập để làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu. Để được hoàn thuế số lượng hàng hóa mượn nói trên, từ tháng 10/2013 đến tháng 6/2015, Hoàng Thị Hậu đã thông qua Trần Thị Sâm để mua 242 số hóa đơn GTGT (tổng giá trị tiền hàng ghi trong hóa đơn là 235,5 tỷ đồng, thuế GTGT 23,5 tỷ đồng) của 9 công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân

Trong số 242 số hóa đơn nói trên, Hoàng Thị Hậu đã sử dụng 180 hóa đơn để lập khống hồ sơ hoàn thuế chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước số tiền 15,85 tỷ đồng (trong 9 kỳ hoàn thuế từ tháng 7/2013 đến tháng 2/2015), hành vi này của Hoàng Thị Hậu đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 62 số hóa đơn GTGT còn lại với tổng giá trị tiền hàng là 77 tỷ đồng, thuế GTGT 7,7 tỷ đồng, Hoàng Thị Hậu đã dùng để kê khai, khấu trừ thuế trong thời gian từ tháng 3/2015 đến tháng 6/2015, chưa sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với việc sử dụng 62 số hóa đơn này, Hoàng Thị Hậu bị khởi tố tội “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN”.

Ngoài việc mượn hàng hóa để lập khống hồ sơ hoàn thuế, các đối tượng còn thành lập nhiều DN “ma” để mua bán hóa đơn, có trường hợp qua vài chục DN, cho đến khi hóa đơn được hợp pháp hóa, bằng cách mua bán hàng hóa thật, xuất hóa đơn thật. Đến khâu cuối thì các DN “ma” mất dấu, trong khi đó cán bộ thuế thường chỉ có thể kiểm tra hóa đơn ở khâu mua, bán gần nhất. Theo các chuyên gia kinh tế, chiêu này được DN gọi là “ve sầu thoát xác”.

Có sự tiếp tay của cán bộ thuế thoái hóa, biến chất

Trong một diễn biến khác, năm 2019, Cơ quan Công an tỉnh Bình Định đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực thi lệnh bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Nguyễn Thành Vỹ - Giám đốc Công ty TNHH TM-DVTH Tân Phát Đạt, có trụ sở giao dịch ở 805/17 Trần Hưng Đạo, phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Qua điều tra, Công an tỉnh Bình Định xác định, Công ty Tân Phát Đạt mua bán hóa đơn GTGT để chiếm đoạt hơn 29 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước. Cụ thể, từ tháng 1/2011 đến tháng 1/2014, DN này lập thủ tục và được Chi cục thuế TP. Quy Nhơn giải quyết hoàn thuế GTGT 9 lần với tổng số tiền gần 62,4 tỷ đồng.

Để có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, Công ty Tân Phát Đạt đã chuyển tiền cho bên bán hàng là Công ty TNHH TM-DV viễn thông Linh San ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, sau đó, nhân viên phía đối tác rút tiền mặt rồi nộp lại vào tài khoản của Công ty Tân Phát Đạt để DN này chuyển tiếp cho đối tác. Cứ thế hai bên chuyển qua, nộp lại nhiều ngày liên tục, bằng chiêu thức này, Công ty Tân Phát Đạt có được chứng từ chứng minh đã thanh toán cho đối tác qua ngân hàng với tổng số tiền 327 tỷ đồng.

Để hợp pháp hoá hồ sơ hoàn thuế GTGT, Công ty Tân Phát Đạt đã vẽ ra chứng từ, tài liệu khống giá trị hàng hóa tồn kho, lập khống hồ sơ vay mượn gần 291 tỷ đồng của 12 cá nhân để mua hóa đơn GTGT, trong đó có người cho mượn đến 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy, trong số 12 trường hợp nêu trên có 5 trường hợp không đúng họ tên và địa chỉ, 2 trường hợp không có hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng minh nhân dân, đặc biệt một số người được xác minh khẳng định không hề cho Công ty Tân Phát Đạt vay, mượn tiền.

Đáng chú ý trong vụ án này, hành vi chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nguyễn Thành Vỹ có dấu hiệu tiếp tay và dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một số cán bộ thuế thoái hóa, biến chất…

Văn Tuấn