Bài 1: Rốt ráo chống thất thu thuế thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số

5 thách thức quản lý thuế thương mại điện tử

Trao đổi về tiềm năng phát triển hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, ông Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam khoảng 17 - 20%, đưa doanh thu TMĐT bán lẻ đạt trên 16 tỷ USD, dự kiến chiếm khoảng 7,5% doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, so với tiềm năng phát triển trên, thì số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp đã đề ra nhiều giải pháp quản lý thuế, song việc chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh này vẫn là bài toán nan giải. Vậy đâu là khó khăn dẫn đến việc chưa quản lý đầy đủ các nguồn thu hoạt động kinh doanh này?

Nguồn: Bộ Công thương.
Nguồn: Bộ Công thương.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, có 5 khó khăn điển hình trong việc quản lý, thu thuế loại hình kinh doanh này. Thứ nhất, khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Thứ hai, khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế. Thứ ba, khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh. Thứ tư, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Bởi, 1 đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội. Thứ năm, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo bà Lan Anh, xu hướng phát triển TMĐT đã và đang có sự chuyển dịch doanh thu từ các giao dịch giữa doanh nghiệp đến người tiêu dùng, sang các giao dịch giữa các cá nhân với nhau. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa; đồng thời cũng ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng. Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của TMĐT trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có cơ quan thuế.

Ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế

Hiến kế cho công tác quản lý thuế TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường tuyên truyền hỗ trợ, hoàn thiện khung khổ pháp lý đang làm xói mòn cơ sở thuế…

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, ngành Thuế ký kết thỏa thuận với các bộ, ngành kết nối dữ liệu, chia sẻ, trao đổi thông tin không chỉ hữu ích cho việc thu thuế mà còn rất hiệu quả cho các hoạt động chuyên ngành. Ví dụ cơ quan thuế cung cấp thông tin liên quan đến các đối tượng TMĐT xuyên biên giới thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có cơ sở để nếu cần sẽ cùng đấu tranh về các vụ việc thương mại xuyên biên giới. Từ đó các đơn vị TMĐT xuyên biên giới mới có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.

Đứng trên góc độ nhà tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, xét về tổng thể, việc quy định sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân (kinh doanh thông qua sàn) là phương án tối ưu để quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế với cơ quan thuế. Theo đó, từ việc hàng trăm nghìn cá nhân phải trực tiếp kê khai với cơ quan thuế, thì nay chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai, nộp thuế thay.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng

Ông Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế thương mại điện tử và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu; tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý và các bên liên quan để chia sẻ, kết nối thông tin; tăng cường hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế.