Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự bùng nổ của TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý thuế. Trước khó khăn thách thức, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã rốt ráo triển khai đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện hành lang pháp lý, đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế. Đến nay, phần lớn các nhà cung cấp nước ngoài đã chủ động phối hợp với cơ quan thuế để kê khai nộp thuế. Nhờ đó, số thu, nộp ngân sách nhà nước từ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số luôn có sự tăng trưởng khá.

36 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, kê khai và nộp thuế

Chia sẻ thông tin tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, hiện Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT và kinh doanh dựa trên nền tảng số.

“Sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 36 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng. Trong đó có 6 NCCNN lớn: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam, với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR, tương đương hàng trăm tỷ đồng. Riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro, Tiktok đã nộp 81,7 tỷ VND…” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh thông tin.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Văn Chung

Cũng theo ước tính của Tổng cục Thuế, tổng số các NCCNN đã nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN từ đầu năm đến nay đạt trên 1.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, sự phối hợp, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của các NCCNN; đồng thời cho thấy, chính sách thuế, quản lý thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.

Sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng

Đánh giá về kết quả đạt được, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, nhờ sự chỉ đạo toàn diện của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước…, trên cơ sở Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT được Bộ Tài chính phê duyệt, Tổng cục Thuế đã ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công thương để phối hợp cung cấp thông tin về website, ứng dụng TMĐT.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới, danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên kho số. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế; phối hợp với Cục An ninh mạng (Bộ Công an) trong việc trao đổi thông tin về các cá nhân thu nhập từ quảng cáo do cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số trên nền tảng chia sẻ video xuyên biên giới và các cá nhân có hoạt động kinh doanh mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các website TMĐT, mạng xã hội... phục vụ công tác quản lý.

Xây dựng kho dữ liệu có kết nối với các bộ, ngành để chống thất thu

Mặc dù kết quả đạt được là khá tích cực, song công tác quản lý hoạt động kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, với đặc trưng nền kinh tế số, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức. Việc thu thuế trên sàn TMĐT, các nền tảng số như Zalo, hay thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt (COD)... là vấn đề mới, khó và hiện còn thất thu thuế do các máy chủ đặt ở nước ngoài.

Mặt khác, những người tham gia kinh doanh trên các nền tảng số, sàn TMĐT gồm cả trong và ngoài nước, nên việc truy địa chỉ để thu thuế là không dễ. Để chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan, xây dựng kho cơ sở dữ liệu đồng bộ, kết nối và chia sẻ thông tin, phục vụ công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng.

Về phía ngành Thuế, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thông tin theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT đối với một số doanh nghiệp trong nước và một số NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Qua đó, đã hướng dẫn đơn vị kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề chính sách liên quan đến quản lý hoạt động TMĐT.

Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, cơ bản người nộp thuế là cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT đã có ý thức tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Một số sàn giao dịch TMĐT đã có sự phối hợp tốt trong việc triển khai cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế.

Cần tìm ra một cơ chế đánh thuế thu nhập phù hợp

Theo ông Phan Vũ Hoàng - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế Công ty Deloitte Việt Nam, tại Việt Nam, nền kinh tế kỹ thuật số được dự báo sẽ chạm mốc tăng trưởng kép ở mức 29% từ nay đến 2025 và đạt quy mô 57 tỷ USD năm 2025, hứa hẹn doanh thu của các công ty đa quốc gia trên nền tảng số tại Việt Nam sẽ còn tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia, nhất là trong hoạt động kinh tế kỹ thuật số, luôn là nhiệm vụ gian nan.

Hiện nay, nhiều công ty lớn trên thế giới trong hoạt động kinh tế kỹ thuật số vẫn có được nguồn thu khổng lồ từ người tiêu dùng ở một quốc gia khác, dù không cần hiện diện vật lý trực tiếp tại một quốc gia đó. Thực tiễn này khiến các quốc gia cần tìm ra một cơ chế đánh thuế thu nhập phù hợp. Song để làm sao đánh được thuế thu nhập phù hợp đang là những thách thức không nhỏ dành cho cơ quan thuế của Việt Nam nói riêng và cơ quan thuế các nước nói chung. Trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi, dẫn đến việc kiểm soát các giao dịch và các nghĩa vụ thuế phát sinh càng trở nên khó khăn hơn trước, cách tiếp cận truyền thống theo cơ sở thường trú trở nên không còn phù hợp nữa. Các chính sách thuế quốc tế đã có những xu hướng thay đổi lớn để phù hợp hơn với sự phát triển này.

Do đó, để quản lý hiệu quả nguồn thuế này, Việt Nam cần nắm bắt, cập nhật đầy đủ các thông tin, chủ động và tích cực trong quá trình đàm phán và hoàn thiện các nguyên tắc cụ thể thông qua các hiệp định thuế; nhanh chóng hoàn thiện cơ chế thu thuế, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia khác để sẵn sàng ứng phó với những biến động trong giai đoạn có thể có nhiều biến đổi này.