Tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tăng gần 10%
Theo báo cáo Bộ Công thương công bố ngày 20/12, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Hàng hoá trên thị trường dồi dào đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: minh hoạ |
Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).
Để kích cầu tiêu dùng, Bộ Công thương triển khai “Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” diễn ra từ ngày 4/12 đến 10/1/2024 trên toàn quốc. Tại chương trình, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng khuyến mại giảm giá lên đến 100% đến từ tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế. |
Công tác kết nối cung - cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; củng cố liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.
Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu mua sắm tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%). Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng năm 2023 ước đạt 34 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 50,5% so với cùng kỳ.
Đạt được kết quả nêu trên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú là có sự chủ động từ đầu năm của các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành các chính sách tài khoá-tiền tệ. Điển hình như chính sách tài khoá giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động, kích thích tiêu dùng.
Sẵn sàng nguồn hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2024
Liên quan đến công tác phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, đang tích cực làm việc với các địa phương về chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cuối năm và dịp tết 2024.
Trên thực tế, nguồn hàng phục vụ dịp tết rất dồi dào, không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu rất dồi dào, thoải mái để người dân mua sắm. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.
Doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung ứng ra thị trường phục vụ dịp tết năm 2024. Ảnh: minh hoạ |
Tại TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị chức năng đã chuẩn bị trên 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, trong đó trên 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường.
Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán và là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối.
Tại Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của người dân trên địa bàn thành phố, Sở Công thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 4884/KH-SCT về phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, sở chú trọng đến những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa…
Dự báo về khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu, dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, Sở Công thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với tết năm 2023).
Về phía doanh nghiệp, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, để đảm bảo nhu cầu cho người dân Thủ đô, đơn vị đang triển khai kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hoá đa dạng, đầy đủ, tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội. |