Đây là chủ đề được tập trung trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Cơ sở khoa học của việc tính giá điện” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 16/10, tại Hà Nội.

Chuyên gia “bó tay” với cơ sở tính giá điện

Ông Ngô Đức Lâm, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam cho rằng, để tính giá bán lẻ điện căn cứ vào 4 loại giá là giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối bán lẻ, giá dịch vụ phụ trợ và 2 loại phí là phí điều độ và phí vận hành thị trường điện lực. Tuy nhiên, theo ông Lâm từ năm 2007 đến 2015 đã trải qua 10 lần điều chỉnh giá điện (đều là tăng giá) nhưng sự đồng thuận của người dân chưa cao.

Lý giải nguyên nhân, ông Lâm cho rằng, trước hết do còn mâu thuẫn lớn giữa cơ chế độc quyền của EVN với cơ chế thị trường của hoạt động điện lực và giá điện.

Đặc biệt, vẫn rất “tù mù” về cơ sở trong việc tính giá điện. “Về minh bạch giá điện, ngay cả những nhà khoa học được tiếp cận và nghe các nội dung liên quan tới cơ sở tính giá điện, biểu giá điện cũng “bó tay”, không hiểu rõ và nói rõ được. Ngoài ra, người dân cũng lo ngại về việc liệu trong giá điện có phần nào người tiêu dùng đã phải gánh chịu, đã phải trả cho quản lý kinh doanh kém hiệu quả của ngành điện hay không”, ông Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lâm, việc điều chỉnh giá điện phải tuân theo quy định của Luật giá và Luật Điện lực, trong đó cần tập trung vào cả quyền người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc điều chỉnh giá điện mới chỉ tập trung vào quyền của EVN mà chưa tập trung quyền người dùng.

“Chúng ta cứ hô hào tập trung sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả để giảm tiêu hao cho người sử dụng điện, còn phía sản xuất điện tổn thất rất lớn lại không có sự giám sát và biện pháp xử lý nào là chưa công bằng, bởi mọi chi phí, tổn thất cuối cùng đều được tính vào giá bán và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thiệt”, ông Lâm nói.

Dẫn chứng cho điều này, ông Lâm cho biết, tỷ lệ tổn thất truyền tải còn quá lớn. Năm 2013 tỷ lệ này là 8,8% (trong khi Thủ tướng yêu cầu là 8%) và năm 2014 đã tăng hơn 9%. Theo tính toán của ông Lâm, nếu tăng thêm 1% tổn thất điện năng, thì sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh.

“Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/1kWh, năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh, mà nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí chính là tăng tổn thất truyền tải này”, ông Lâm cho biết.

Tính giá điện
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại diễn đàn

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng khâu đầu vào trong quá trình tính giá điện đã minh bạch chưa là câu hỏi cần phải trả lời được. “Lúc EVN nói lỗ, lúc nói lãi, vậy lỗ thì Nhà nước bù hay dân phải chịu. Cử tri nói, con phụ thuộc bố mẹ, bố mẹ nghèo thì con nhịn ăn nhưng sao EVN lỗ mà cán bộ nhân viên thu nhập lại khá?”, bà An nói.

Bất lợi dồn về phía người tiêu dùng

Ông Ngô Đức Lâm cho rằng, trong các chi phí cấu thành nên giá điện thì chỉ có 2 chi phí là khấu hao và định mức lương là do Nhà nước quy định. Còn lại các chi phí khác hoàn toàn do EVN tự quyết định. Việc EVN được tự quyết định giá điện dẫn đến có thể có nhiều yếu tố không khách quan, có lợi cho bên sản xuất, không minh bạch, ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành.

Đồng thời, điều này làm triệt tiêu động lực, phấn đấu bảo toàn vốn của DN, giảm giá thành của điện năng. Do vậy, tính minh bạch sẽ bị hạn chế và không đảm bảo tính công bằng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng như luật quy định.

Trong khi đó, mới đây EVN đưa ra ba phương án giá điện mới do chính nhà đèn xây dựng trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập. Song theo đánh giá của ông Lâm, biểu giá điện này mới chỉ phục vụ cho lợi ích của người sản xuất, khi chỉ bảo vệ lợi ích của EVN trong mọi tình huống và đẩy mọi trách nhiệm về phía người tiêu dùng.

Chia sẻ quan điểm, ông Nguyễn Minh Duệ, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đánh giá, biểu giá điện hiện nay xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hoạch toán. Công suất và điện năng, điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, mà chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện… là thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Bàn về giải pháp để đưa ra giá bán điện hợp lý, ông Duệ cho rằng, trước hết cần nhanh chóng thúc đẩy thực hiện thị trường điện cạnh tranh. “Tính đến nay, trong đa số các ngành trong nền kinh tế đã và đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường cạnh tranh, còn ngành điện vẫn ở thế độc quyền, đang vận hành theo mô hình liên kết dọc truyền thống. Nếu không có những giải pháp đột phá thực hiện thị trường điện cạnh tranh thì áp lực tăng giá điện vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp và người dân”, ông Duệ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành điện, tăng thành phần doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài tham gia vào sản xuất, kinh doanh điện.

Đặc biệt, theo ông Ngô Đức Lâm, việc điều chỉnh giá bán điện phải được thực hiện công khai, minh bạch phù hợp với quy định của pháp luật về giá. “Người tiêu dùng không đòi hỏi giá điện thấp mà cần một sự minh bạch rõ ràng của ngành điện. Bộ Công thương với vai trò chủ trì nên lập Hội đồng thẩm định giá điện có các nhà quản lý, nhà khoa học làm tư vấn thẩm định cho Chính phủ mỗi lần điều chỉnh giá điện”, ông Lâm nói./.

Bài và ảnh: Thiện Trần