Omicron B.1.1.529 - Biến thể “đáng quan ngại” Fed dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng lạm phát trong vài tháng tới Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung kìm hãm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ
Fed canh bao bien the Omicron de doa da phuc hoi cua nen kinh te My hinh anh 1
Quang cảnh tại quảng trường Herald ở New York, Mỹ.

Đó là nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong bài phát biểu chuẩn bị cho phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 30/11.

Ông Powell nêu rõ nền kinh tế Mỹ đã duy trì tăng trưởng, song dịch bệnh tái bùng phát đã kìm hãm đà phục hồi kinh tế, bắt đầu từ khi xuất hiện biến thể Delta đầu mùa Hè vừa qua.

Theo ông Powell, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 gần đây cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron tiềm ẩn mối đe dọa đối với thị trường việc làm và hoạt động kinh tế, đồng thời làm gia tăng sự bất ổn về lạm phát. Lo ngại nguy cơ nhiễm biến thể mới, nhiều người lao động sẽ có tâm lý ngại ngần làm việc trực tiếp. Điều này làm chậm quá trình phục hồi của thị trường lao động, cũng như khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thêm trầm trọng.

Về vấn đề lạm phát, người đứng đầu Fed nhận định tỷ lệ lạm phát đang “cao hơn” mục tiêu 2% mà Fed đề ra.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã khiến các nhà sản xuất khó đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ, đặc biệt là đối với hàng hóa. Giá năng lượng và giá thuê nhà tăng cũng đang đẩy lạm phát lên cao.

Sự mất cân bằng cung cầu liên quan đến đại dịch đã góp phần khiến giá cả tăng cao ở một số khu vực, với chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 5% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 10 vừa qua.

Biến thể Omicron, xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi, đã khiến giới chức y tế và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đặc biệt quan ngại.

Hiện, các chuyên gia đang khẩn trương xác định mức độ lây nhiễm và nghiêm trọng mà biến thể này gây ra, cũng như hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 đối với biến thể này.