PV: Dưới góc độ nghiên cứu khoa học và giảng dạy chuyên ngành Tài chính - Maketing, bà có thể phân tích khái quát về diễn tiến, thực trạng cũng như sự tác động bất lợi của việc tăng giá nguyên liệu đầu vào đến các ngành sản xuất như thế nào?

Bình ổn giá cả hàng hóa trước áp lực giá xăng dầu tăng cao: Kiểm soát chặt thị trường, không để găm hàng thổi giá
PGS.TS Hồ Thủy Tiên

PGS.TS Hồ Thủy Tiên: Sau 2 năm 2020 và 2021 nền kinh tế thế giới bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraina từ cuối tháng 2/2022 cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây và các phản ứng từ phía Nga đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới. Giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào các ngành sản xuất tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Việt Nam là quốc gia có độ mở thương mại lớn, nên khó tránh khỏi những tác động từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Bởi vì trên thực tế, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu đứng thứ hai thế giới, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã làm giảm nguồn cung này từ Nga. Bên cạnh đó, nhu cầu năng lượng tăng khi hoạt động đi lại trên thế giới hồi phục mạnh mẽ thời hậu Covid-19 đã làm giá xăng dầu tăng mạnh. Theo số liệu công bố của Liên Hiệp quốc (UN) vào tháng 4/2022 thì giá dầu thô trên thế giới tại thời điểm tháng 4/2022 đã tăng 46% so với thời điểm tháng 10/2021 và khí đốt tự nhiên đã tăng 49%.

PV: Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát tốt, nền kinh tế đang trên đà phục hồi tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên lại gặp phải tình huống tăng giá “phi mã” đối với xăng dầu và một số ngành hàng chủ lực. Xin bà cho biết những yếu tố bất lợi kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta là gì?

PGS.TS Hồ Thủy Tiên: Những tháng cuối năm 2021 dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, các hoạt động dần trở về bình thường nhờ vào tiêm chủng Covid-19 của Việt Nam đạt tỷ lệ cao và nhanh, hoạt động thương mại tiếp tục mở rộng và kinh tế có dấu hiệu phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, những thách thức do xung đột giữa Nga - Ukraine dần ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam. Điều này có thể làm cho quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Việt Nam sẽ không như kỳ vọng. Sự ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của xung đột Nga - Ukcraina làm cho giá xăng dầu bị đẩy lên cao làm giá cả hàng hóa dịch vụ tăng đồng loạt.

Nguồn: Liên Hiệp quốc   Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Liên Hiệp quốc Đồ họa: Thế Dương

Bên cạnh đó, giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng cao do khan hiếm nguồn cung dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng, sản lượng trong lĩnh vực nông nghiệp sụt giảm. Tất cả điều này nếu kéo dài sẽ làm cho lạm phát trong nền kinh tế tăng. 2 năm qua, người dân đã rất khó khăn do dịch bệnh, tích lũy đã giảm sút nhiều, nay lại gặp lạm phát, người dân sẽ hết sức vất vả. Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao khi giá xăng dầu tăng. Cho nên lạm phát là mối đe dọa rất lớn đối với nền kinh tế thế giới, cũng như Việt Nam khi nguy cơ đại dịch chưa kết thúc và xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn còn xảy ra.

PV: Theo bà, để kìm hãm tốc độ tăng giá xăng dầu và một số mặt hàng chủ lực, cũng như mức độ ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế thì các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần phải ứng phó như thế nào?

PGS.TS Hồ Thủy Tiên: Mặc dù 5 tháng đầu năm 2022 chỉ số CPI chỉ đạt 2,2%, nhưng trước tình hình giá xăng dầu và giá phân bón tăng nhanh trên thế giới và Việt Nam, nếu không có giải pháp kiểm soát hữu hiệu của đà tăng giá khi xung đột Nga - Ukraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì lạm phát năm 2022 sẽ cao hơn so với mục tiêu đặt ra (4%). Theo tôi, để có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra cần chú trọng các vấn đề sau:

Không để găm hàng, bán nhỏ giọt gây nhiễu loạn

“Cơ quan quan lý cần kiểm soát thị trường, không để găm hàng, bán nhỏ giọt gây nhiễu loạn. Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Trong đó, các cơ quan chức năng tập trung ngăn chặn tình trạng gian lận, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu như bán nhỏ giọt, cầm chừng để đợi giá lên cao của một số cây xăng; đóng cửa cây xăng vô cớ; lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước láng giềng để xuất lậu xăng dầu” - PGS.TS Hồ Thủy Tiên nói.

Thứ nhất, đối với việc kiểm soát giá xăng dầu, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sử dụng các công cụ điều tiết giá cho phù hợp. Vì nếu giá xăng dầu tăng, sẽ xuất hiện các hiện tượng tăng giá của các loại sản phẩm, dịch vụ khác. Để làm tốt điều này, giải pháp đầu tiên và quan trọng là bảo đảm nguồn cung, không để thiếu xăng dầu trong bất kỳ tình huống nào thông qua việc Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu và đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Thứ hai, nên xem xét chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Khi phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế, từ đó tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao.

Cuối cùng là phải gia tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ một cách hợp lý, hiệu quả. Trước tình trạng sử dụng nhiều phân bón vô cơ trong khi giá cả đang tăng cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, gây mất cân bằng hệ sinh thái của đất. Vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách và hướng dẫn người dân sử dụng tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương.

PV: Xin cảm ơn bà!

Giá phân bón lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm qua

Theo PGS.TS Hồ Thủy Tiên, Nga không chỉ là nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới, mà còn là nhà cung cấp khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới, đặc biệt cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Các lệnh hạn chế, cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga đã hạn chế nguồn cung từ Nga do xung đột giữa Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới tăng mạnh và lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm.

“Giá phân bón thế giới tăng cao đã làm giá phân bón trong nước tăng theo. So với cuối năm 2021 thì đến thời điểm tháng 5/2022 giá phân bón trong nước tăng từ 30% - 40% tùy loại. Cùng với tăng giá phân bón thì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng trên đà tăng giá. Trong năm 2021, giá thuốc BVTV tăng bình quân 30%, cá biệt có mặt hàng tăng lên đến 50%. Nguyên nhân thuốc BVTV tăng giá năm 2021 được xác định là do phải chấp hành sản xuất theo quy định phòng chống dịch Covid-19 nên nhiều nhà máy, công ty sản xuất thuốc BVTV phải hạ công suất làm việc xuống còn 50 - 60%, giảm nguồn cung đã đẩy giá thuốc BVTV tăng cao” - PGS.TS Hồ Thủy Tiên nói.

Cũng theo bà Tiên, sang năm 2022 tình hình giá thuốc BVTV chưa có dấu hiệu giảm. Theo thống kê của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi phí phân bón chiếm khoảng 24% và chi phí thuốc BVTV chiếm khoảng 16% trong tổng chi phí đầu vào, nên việc giá vật tư đầu vào tăng đã đẩy giá thành sản xuất lúa, rau màu tăng 40 - 60%, khiến sản xuất nhiều loại cây trồng, đặc biệt là trồng lúa bị thua lỗ nặng, dẫn đến nguy cơ người dân sẽ bỏ canh tác, hoặc canh tác cầm chừng, sản lượng sụt giảm là điều hiện hữu.