Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2015 của Bộ Tài chính nhằm quy định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, tiêu chí đánh giá tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa công tác này đi vào thực chất với những kết quả cụ thể.

Bộ Tài chính thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực quản lý
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động Kho bạc Nhà nước để giảm chi phí và thời gian giao dịch là một trong những biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Bộ Tài chính thực hiện trong giai đoạn tới đây. Ảnh minh họa: H.T

Theo đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 được Bộ Tài chính thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của ngành quản lý. Đơn cử như trong quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Bộ Tài chính đã đưa ra chỉ tiêu thực hiện là đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp và tăng cường quản lý các quỹ theo quy định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ này; rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền và tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các quỹ.

Giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu này được Bộ Tài chính đưa ra là tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, công khai trong xây dựng, thực hiện kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp trực thuộc phải triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất, trong đó, tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng, chi chiết khấu thanh toán…

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp tổng kết, đánh giá và tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm tính đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, tránh thất thu cho NSNN.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả

Ngoài thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi thường xuyên, trong sử dụng tài sản công, một lĩnh vực được Bộ Tài chính hết sức chú trọng trong giai đoạn tới đó là quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

Theo đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra chỉ tiêu để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực này là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan; đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách quản lý biên chế theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Ngoài việc trả lương cho công chức, viên chức theo vị trí việc làm và thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất lao động, Bộ Tài chính cũng đưa ra chỉ tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân; xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Để thực hiện được các chỉ tiêu này, trong giai đoạn 2021-2025, ngoài việc hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức theo các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức để thu hút người có năng lực, trình độ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đặc biệt trong giai đoạn này, Bộ Tài chính sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chỉ đạo điều hành của đơn vị; khai thác hiệu quả các phần mềm dùng chung thống nhất trong toàn ngành như: Chương trình quản lý văn bản và điều hành ngành Tài chính; phần mềm Quản lý cán bộ Bộ Tài chính theo mô hình tập trung… Đồng thời, Bộ Tài chính khai thác tối đa trang thiết bị công nghệ thông tin sẵn có nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, giảm văn bản, giấy tờ hành chính.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính xây dựng môi trường, phong cách làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là trong các hệ thống ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính của người dân và doanh nghiệp./.