>> Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về 'vụ bán nhà kỳ lạ' ở Đà Lạt

"Những điều đã hứa hôm nay, tôi sẽ quyết tâm làm"

* Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch mà Bộ Tư pháp sẽ triển khai sau những chất vấn của ĐB và kết luận của Chủ tịch Quốc hội?

- Tôi vừa chỉ đạo ngay anh em tại đây. Thứ nhất, trong sửa đổi Bộ Luật Dân sự sắp tới, phải rà soát lại một lần nữa về quyền con người, quyền công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp, để tạo hành lang pháp lý về quan hệ dân sự kinh tế phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Bộ Luật Hình sự sửa đổi sắp tới cũng được rà soát rất kỹ với những quy định của Hiến pháp, để bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, an ninh quốc gia. Đặc biệt là rà soát kỹ những quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Vấn đề thứ 3 là “dọn dẹp phát quang” hệ thống pháp luật, tiếp thu chất vấn lần này để xây dựng một luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất tới đây cho phù hợp.

* Bộ trưởng nói một ý mà mọi người vừa mừng vừa lo, đó là hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới. Mừng là vì nhiều luật, nhưng cũng lo vì phức tạp sẽ khó triển khai?

- Nhiều luật thì cũng tốt, nhưng vấn đề ở đây là không chỉ có luật mà từ luật rồi đến pháp lệnh, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định của Chính phủ, thông tư của các bộ, đến tận chỉ thị của cấp xã, làm cho rối tinh.

Hôm nay Chủ tịch Quốc hội nêu rất trúng, về trách nhiệm của chính quyền địa phương, không phải chỉ có trách nhiệm của trung ương. “Rừng luật” là ở chỗ đó, rừng luật theo nghĩa cả số lượng và sự rậm rạp, khó tìm lối, khó chấp hành và chi phí tuân thủ rất cao.

Những điều tôi đã hứa hôm nay là tôi quyết tâm sẽ làm. Để cố gắng đến cuối năm 2014, đạt được những chỉ tiêu cơ bản mà Quốc hội đã đề ra.

Trao cho tòa án quyền giải thích pháp luật

* Liên quan đến công tác tòa án, Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc sử dụng án lệ?

- Về việc này, nếu tòa án tối cao được xử giám đốc thẩm nội dung, mà phát triển ra thành án lệ, tôi cho là tối ưu. Ở tất cả các nước, không chỉ các nước theo luật án lệ, như Anh, Mỹ, Úc, Singapore, mà kể cả những nước luật thành văn như Việt Nam, điển hình như Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc… thì họ vẫn giao cho tòa án tối cao một vai trò quan trọng là giải thích pháp luật.

Nếu không trao cho tòa án quyền này, thì đó sẽ là vật cản, từ đó nên các Bộ phải ban hành nhiều thông tư như vậy. Tòa án tối cao với thành phần sau này, ví dụ như 13 – 17 thẩm phán, họp toàn thể, phải thay đổi Luật tố tụng, lúc đó là phải xét xử giám đốc thẩm, xét xử về phần nội dung, chứ không phải xét xử để chỉ đạo trả lại, trong hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là pháp luật chưa có quy định, nhưng người dân thấy mình bị xâm phạm, có quyền ra công lý để đòi sự công bằng, tòa án không có quyền từ chối, giống như Bao Công ngày xưa, dân gõ trống là Bao Công phải xử.

Pháp luật chưa quy định, nhưng là tòa án, là thẩm phán, phải nhìn vào nội tâm của anh, công lý ở chỗ nào, công bằng ở chỗ nào phải xử cho đúng. Nếu pháp luật chưa quy định thì bản án đó của tòa án tối cao sẽ trở thành án lệ. Án lệ để tất cả những vụ việc tương tự ở dưới phải theo, từ đó cũng điều hành hành vi của mọi người, thế nào là sai, đúng để mọi người hành xử, DN hành xử.

Trường hợp thứ hai là pháp luật quy định “mờ”. Mờ là trong từng trường hợp cụ thể, rất muôn hình vạn trạng. Hiện nay chúng ta đang có sự lúng túng, Hiến pháp thì quy định như vậy, Bộ Luật Hình sự thì quy định như này. Vậy phải theo bên nào, theo Hiến pháp thì không xử được, mà theo Bộ Luật Hình sự thì khác với Hiến pháp. Đây gọi là pháp luật đang “mờ”, khi đó thì Hội đồng thẩm phán tòa án tối cao phải quyết, quyết rồi thì sẽ thành án lệ.

Vụ DN Phương Trang: Phải trả lại công bằng cho người mua

* Liên quan đến một việc cụ thể về thi hành án, thì rất mừng là vụ việc mà DN Phương Trang kiến nghị Chi cục thi hành án Đà Lạt sau đấu giá 5 năm vẫn chưa giao nhà, đã được báo chí và Đại biểu phản ánh, hôm nay Bộ trưởng đã trả lời trực tiếp, cụ thể trước Quốc hội. Vậy xin Bộ trưởng cho biết hướng xử lý tiếp theo ra sao để giảm thiệt thòi và tạo niềm tin cho DN ?

- Vụ việc này như tôi đã nêu rõ trước Quốc hội là phát sinh từ việc dừng trao tài sản bán đấu giá đó do có vụ án. Vụ án đã bị khởi tố, bị can đã bị khởi tố, cho đến hôm nay cũng chưa có quyết định truy tố ra tòa. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã họp lại với nhau và kết luận rằng việc mua bán của doanh nghiệp này là ngay tình, nên dù có tội hay không có tội cũng phải trả lại sự công bằng cho người mua.

* Tuy nhiên thưa Bộ trưởng, dù cơ quan trung ương là Tổng cục thi hành án đã có văn bản kết luận nhưng vụ việc vẫn được giải quyết rất chậm trễ, gây thiệt hại cho DN?

- Việc này còn phụ thuộc vào Ban chỉ đạo thi hành án của tỉnh và của thành phố.

* Xin cảm ơn ông!