Sau 6 năm đàm phán, bưởi da xanh Bến Tre được cấp “visa” vào Hoa Kỳ

Sau gần 6 năm đàm phán đăng ký xuất khẩu (XK) bưởi sang Hoa Kỳ, đến nay thị trường này đã chính thức nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Sự kiện này đã mang lại sự phấn khởi cho bà con nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Như vậy, là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Đây là tin vui của ngành nông nghiệp nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, bởi trái bưởi được XK là giống bưởi da xanh trồng tại tỉnh Bến Tre. Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có khoảng 2.000 - 3.000 tấn bưởi tươi được XK sang đây, năm 2023 sẽ có khoảng 7.000 tấn.

Cũng như các loại quả khác, trái bưởi da xanh muốn được cấp "visa" vào thị trường Hoa Kỳ, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các doanh nghiệp, địa phương… đã phải nỗ lực trong nhiều năm để đàm phán, chuẩn bị các thủ tục để các quốc gia chấp nhận cho phép nhập khẩu.

Hợp tác xã Nông nghiệp Bưởi da xanh Bến Tre là một trong số các đơn vị tham gia cung cấp bưởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ lần này.
Hợp tác xã Nông nghiệp Bưởi da xanh Bến Tre là một trong số các đơn vị tham gia cung cấp bưởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ lần này.

Cụ thể, để được Hoa Kỳ cho phép chính thức nhập khẩu vào tháng 10/2022, từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã xây dựng hồ sơ kỹ thuật. Đến tháng 1/2017, Bộ NN&PTNT chính thức gửi Cơ quan kiểm dịch động - thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đề nghị và hồ sơ kỹ thuật. Từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ lấy ý kiến rộng rãi; tháng 3/2022, APHIS kiểm tra vùng trồng và cơ sở xử lý. Từ tháng 2/2022 đến 10/2022 hoàn thiện dự thảo điều kiện nhập khẩu và tới tháng 10/2022 mới công bố điều kiện nhập khẩu để cho phép XK…

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, muốn XK trái cây sang thị trường Hoa Kỳ, phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính gồm: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Hoa Kỳ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Hoa Kỳ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tập trung tập huấn cho người sản xuất và doanh nghiệp XK bưởi về yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ…

Là đơn vị đã trực tiếp đăng ký và chuẩn bị về mọi mặt để đưa sản phẩm bưởi Bến Tre sang thị trường Hoa Kỳ, bà Ngô Tường Vy - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chia sẻ, cách đây 2 năm, từ lúc có thông tin về việc Hoa Kỳ xem xét mở cửa cho trái bưởi Việt Nam, công ty này đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, phối hợp bà con nông dân ở Bến Tre và một số địa phương phía Nam hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng.

Về phía địa phương, theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, Bến Tre có diện tích trồng bưởi khoảng 10.000 ha, hàng năm cho sản lượng trên 200.000 tấn. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, chú trọng đến các đối tượng kiểm dịch thực vật phía Hoa Kỳ quan tâm; xây dựng các vùng trồng, tổ chức sơ chế, đóng gói sau thu hoạch đảm bảo đúng quy định. Tỉnh đã được cấp 25 mã số vùng trồng bưởi da xanh XK sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ; riêng đối với thị trường Hoa Kỳ đã được cấp 11 mã số với diện tích 156,76 ha, sản lượng 3.135 tấn/năm.

Cánh cửa thông quan có thể bị đóng lại nếu vi phạm các yêu cầu kỹ thuật

Các cơ quan chức năng đánh giá, nhiều địa phương trọng điểm trồng bưởi da xanh của Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trở thành vùng nguyên liệu chuẩn cả về số lượng và chất lượng. Hiện cả doanh nghiệp lẫn nhà vườn đều sẵn sàng để đưa loại nông sản này sang Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường Hoa Kỳ và XK lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ mới là bước khởi đầu. Để trái bưởi tươi của Việt Nam chiếm lĩnh được thị phần tại thị trường này đòi hỏi các các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp XK bưởi sang Hoa Kỳ nhanh chóng triển khai, tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và các yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Ở góc độ doanh nghiệp XK, bà Ngô Tường Vy cho hay, để XK sang Hoa Kỳ, những khu vườn trồng bưởi phải được chứng nhận VietGap, GlobalGap. Bên cạnh đó, thị trường Hoa Kỳ không chuộng những quả lớn, mà dao động từ 1-1,4 kg/quả. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn từ phía bạn, cơ hội cho trái cây Việt Nam là rất lớn khi thị trường Hoa Kỳ có thể nhập không chỉ bưởi da xanh, mà kể cả bưởi 5 roi quanh năm...

Tiềm năng trở thành nước xuất khẩu trái cây lớn trên thế giới

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước XK trái cây lớn trên thế giới nhờ có diện tích trồng cây ăn quả 1,2 triệu ha, tổng sản lượng sau thu hoạch lên 12 triệu tấn. Các mặt hàng trái cây XK chủ lực của Việt Nam là thanh long với kim ngạch trên 1 tỷ USD/năm, tiếp đến là xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm, măng cụt... Cùng với đó, rau quả hiện cũng là những mặt hàng có kim ngạch XK cao của Việt Nam, với trên 3,5 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, nông sản Việt vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng của mình và số lượng XK của doanh nghiệp Việt còn rất khiêm tốn. Hiện mỗi năm Trung Quốc chi tới 4 tỷ USD để nhập sầu riêng, trong đó Thái Lan chiếm 90%, còn 10% còn lại chia cho Việt Nam và Malaysia. Về chuối, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu với kim ngạch khoảng 1 tỷ USD, trong đó Philippines chiếm 50%, Campuchia 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%. Về măng cụt, Trung Quốc nhập 800 triệu USD thì Thái Lan cũng chiếm đến 700 triệu USD. Cũng vậy, mỗi năm Nhật Bản có nhu cầu nhập 20 tỷ USD rau quả, nhưng kim ngạch hàng Việt xuất sang đây chỉ chiếm 3%...

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp Việt cần thay đổi tổ chức sản xuất, thích ứng được với thay đổi của thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất chính ngạch...

Ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, trái bưởi được XK vào thị trường Hoa Kỳ là quá trình rất gian nan, đòi hỏi quy trình canh tác, bảo quản rất vất vả. Do đó, về lâu dài quy trình sản xuất canh tác trái bưởi cần phải được thay đổi. Trước mắt, cần sự phối hợp của ngành NN&PTNT và Khoa học Công nghệ trong việc hướng dẫn bà con nông dân quy trình sản xuất để nâng cao tỷ lệ bưởi đạt chuẩn tại vườn, cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ nông dân.

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cũng khuyến cáo, để giữ được thị trường XK, người nông dân, các hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp phải cùng nhau làm đúng cam kết, quy định. Quốc gia nhập khẩu duy trì chế độ kiểm tra định kỳ, hoặc ngẫu nhiên. Khi phát hiện vi phạm, các nước sẽ đình chỉ, không loại trừ “đóng cửa” thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng khẳng định, bộ sẽ cùng các bộ, ngành xây dựng đề án phát triển cho từng loại trái cây, phù hợp với từng thị trường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nông dân cần thay đổi tư duy, làm nông nghiệp chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình phải được chuẩn hoá. Cánh cửa thông quan chính ngạch đã được mở ra, nhưng vẫn có thể bị đóng lại bất cứ lúc nào, nguy cơ mất thị trường vẫn luôn hiện hữu, nếu các yêu cầu kỹ thuật bị vi phạm.