Chú thích ảnh
Niềm vui của học sinh xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) được trở lại trường.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2023 - 2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông, với tổng số khoảng 18,5 triệu học sinh. Các tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế cơ bản đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của Chương trình.

Năm học mới 2024 - 2025 là một năm học đặc biệt - năm khép kín chuỗi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở năm học này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đồng loạt ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đây cũng là năm học diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Hiện các cơ sở giáo dục trên toàn quốc đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng để cùng học sinh bước vào năm học mới

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, năm học này, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về số lượng học sinh với trên 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện nay, sĩ số trung bình cấp tiểu học của toàn thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của ngành giáo dục Hà Nội để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều trường đã tiến hành tu bổ, bổ sung trang thiết bị đồ dùng dạy học; sửa chữa bàn ghế, thiết bị điện chiếu sáng. Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, dù trong thời gian nghỉ hè hay thời điểm cận kề năm học mới, các thầy cô vẫn tích cực tham gia các chương trình tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa mới…

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, năm học 2024 - 2025, toàn thành phố có trên 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng 24.097 học sinh so với năm học trước. Trong năm học này, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 23 trường học mới với gần 500 phòng học, tổng mức đầu tư hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho năm học mới (tính đến tháng 7/2024) của thành phố là 3.522 giáo viên và 720 nhân viên. Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh xác định năm học 2024 - 2025 sẽ tiếp tục thực hiện theo tinh thần “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm” để đạt được những nhiệm vụ đề ra.

Ở các địa phương khác, công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng được chú trọng, như: Tỉnh Hưng Yên đã đầu tư trên 1.100 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa phòng học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng học tập, xây dựng thư viện, công trình vệ sinh, cải tạo khuôn viên các trường học. Tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng mới trên 150 phòng học, 33 nhà vệ sinh với tổng kinh phí trên 245 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa trên 500 phòng học, sơn tường, sửa chữa bàn ghế học sinh, sửa chữa hệ thống điện phòng học... với tổng kinh phí trên 67 tỷ đồng. Tại tỉnh Yên Bái, hàng loạt trường học đã được cải tạo, với các lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học hiện đại. Nhiều trường đã hoàn thành việc xây dựng các phòng học chức năng như phòng thí nghiệm, thư viện, và phòng tin học, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh...

Đặc biệt, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các xã miền núi cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện, từ việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở trường, lớp, mua sắm bổ sung trang thiết bị đến việc sắp xếp, bố trí giáo viên để sẵn sàng cho năm học mới.

Với sự chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, toàn ngành giáo dục đã sẵn sàng cho một năm học mới, hứa hẹn đạt được nhiều thành công mới.