Ngành DTQG cấp phát kịp thời phương tiện ứng phó tình huống khẩn cấp

Ngành DTQG cấp phát kịp thời phương tiện ứng phó tình huống khẩn cấp

Thông tin được ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TBTCVN.

PV: Xin ông một vài nhận xét về sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lĩnh vực DTQG thời gian qua?

- Ông Nguyễn Quốc Anh: Dưới góc độ là cơ quan tổng hợp tham gia trong hoạt động quản lý nhà nước về DTQG, chúng tôi thấy rằng, công tác phối hợp giữa các bộ tổng hợp như Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành khá chặt chẽ, từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch, xuất cấp hàng hóa khi có yêu cầu.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã kịp thời xuất cấp lương thực, thuốc thú y, vắc xin, vật tư y tế… giúp cho bà con ở các vùng thiên tai không bị thiếu đói, ổn định sản xuất, giữ vững an ninh, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngành đã xuất cấp kịp thời các thiết bị an ninh quốc phòng phục vụ các nhiệm vụ chính trị quan trọng như Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, họp Quốc hội; xuất cấp nguyên liệu cho sản xuất quốc phòng... Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Quốc Anh
Ông Nguyễn Quốc Anh

Việc xây dựng kế hoạch DTQG 2017 - năm đầu thực hiện theo Luật NSNN mới, nên có sự thay đổi về cách thức triển khai kế hoạch so với mọi năm. Một mặt do nguyên nhân khách quan từ việc áp dụng luật, một mặt cũng do nguyên nhân chủ quan từ các bộ, ngành chậm xây dựng danh mục mặt hàng mua tăng, xuất giảm, đổi hàng…, để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch về DTQG.

PV: Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những giải pháp cụ thể gì, thưa ông?

- Ông Nguyễn Quốc Anh: Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chị thị số 29/CT-TTg ngày 5/7/2017 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018, trong đó có chỉ đạo về công tác xây dựng kế hoạch và dự toán chi DTQG để tổng hợp chung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Trên cơ sở Chị thị số 29, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản theo chức năng của mình để hướng dẫn các bộ, ngành xây dựng kế hoạch DTQG năm 2018. Trong quá trình này, hai bộ sẽ phối hợp chặt chẽ, trao đổi, đôn đốc các bộ, ngành triển khai theo đúng các mốc thời gian để kịp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch DTQG năm 2018 vào thời điểm tháng 12/2017, theo đúng quy định.

PV: Thưa ông, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc đầu tư hệ thống kho phục vụ việc bảo quản hàng DTQG. Xin ông một vài chia sẻ về vấn đề này?

- Ông Nguyễn Quốc Anh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp để trình Chính phủ hỗ trợ đầu tư hệ thống kho tàng phục vụ bảo quản hàng DTQG của các bộ, ngành.

Về kế hoạch vốn NSNN giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 đối với lĩnh vực kho tàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền theo quy định, làm căn cứ để triển khai kế hoạch hằng năm. Trong quá trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, rà soát, điều chỉnh danh mục dự án dự kiến đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án nhằm xây dựng danh mục dự án trong trung hạn phù hợp nhất với nhu cầu các bộ ngành, và khả năng cân đối của NSNN.

Hiện nay, NSNN rất hạn hẹp, khả năng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống kho tàng DTQG cho các bộ, ngành còn nhiều hạn chế. Pháp luật về đầu tư công cũng có những quy định chặt chẽ hơn về về giám sát, triển khai thực hiện vốn đầu tư từ NSNN. Do vậy, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, việc triển khai đầu tư các dự án ngành kho tàng càng cần được các bộ, ngành, quan tâm chỉ đạo sát sao; bảo đảm các dự án được triển khai đúng quy định, đúng thời gian, đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, các bộ, ngành cần chú trọng công tác giải ngân của các dự án. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, đề nghị các bộ, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng tháo gỡ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Sâm (thực hiện)