Các nước châu Á đã tiết kiệm nhiều tỷ USD chi phí nhiên liệu nhờ năng lượng Mặt Trời
Vệ sinh các tấm pin tại một trang trại năng lượng mặt trời ở Jagadhri, bang Haryana, Ấn Độ. Ảnh: TL

Theo báo cáo, đóng góp của hoạt động sản xuất năng lượng Mặt Trời ở 7 quốc gia châu Á chủ chốt - Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines và Thái Lan - đã tránh được chi phí nhiên liệu hóa thạch khoảng 34 tỷ USD từ tháng 1-6/2022, tương đương 9% tổng chi phí nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn này.

Phần lớn trong khoản tiết kiệm ước tính 34 tỷ USD là ở Trung Quốc - nơi năng lượng Mặt Trời đáp ứng 5% tổng nhu cầu điện và tránh được khoảng 21 tỷ USD nhập khẩu thêm than đá và khí đốt trong giai đoạn vừa đề cập. Nhật Bản đứng thứ hai với kết quả tiết kiệm được 5,6 tỷ USD.

Tại Thái Lan và Philippines - nơi tốc độ tăng trưởng năng lượng Mặt Trời chậm hơn, chi phí nhiên liệu tránh được vẫn rất đáng chú ý. Mặc dù năng lượng Mặt Trời chỉ chiếm khoảng 2% công suất phát điện của Thái Lan, song quốc gia Đông Nam Á này trong 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tránh được 209 triệu USD chi phí nhiên liệu hóa thạch tiềm năng.

Philippines cũng tránh được 78 triệu USD chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch, mặc dù năng lượng Mặt Trời chỉ chiếm 1% sản lượng điện.

Tại Hàn Quốc, năng lượng Mặt Trời tạo ra 5% điện năng cho đất nước trong nửa đầu năm, có thể tránh khoảng 1,5 tỷ USD chi phí sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Một báo cáo công bố ngày 10/11 cho biết, chỉ riêng Ấn Độ đã tiết kiệm được 4,2 tỷ USD chi phí nhiên liệu thông qua sản xuất năng lượng Mặt Trời trong nửa đầu năm 2022 và tránh sử dụng 19,4 triệu tấn than đá.

Nhà phân tích Đông Nam Á Isabella Suarez của CREA nhận xét: “Các quốc gia châu Á cần khai thác tiềm năng năng lượng Mặt Trời khổng lồ để nhanh chóng chuyển đổi khỏi các loại nhiên liệu hóa thạch tốn kém và gây ô nhiễm cao.

Tiết kiệm tiềm năng từ chỉ riêng năng lượng Mặt Trời hiện tại là rất lớn và việc xúc tiến triển khai cùng với các nguồn năng lượng sạch khác như gió sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh năng lượng trong khu vực”./.