Hội thảo trực tuyến Công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 đã được Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada tổ chức sáng 29/10/2021, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn tới dự và phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có bà Steffi Stallmeister, Giám đốc Điều hành Hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Werner Gruber, Trưởng Bộ phận Hợp tác Quốc tế của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong nước và nước ngoài ở các điểm cầu trong toàn quốc.

Đồng tham dự hội thảo tại các điểm cầu còn có hơn 300 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương; đại diện các Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố; thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập hệ thống chuẩn mực kế toán công; đại diện các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán và các chuyên gia về kế toán, kiểm toán, tư vấn trong nước.

Cải cách kế toán công giúp minh bạch thông tin tài chính
Cải cách kế toán công giúp minh bạch thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình và hạn chế sự khác biệt so với thông lệ quốc tế. Ảnh: Đức Minh

Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trên chặng đường Việt Nam thiết lập khuôn khổ báo cáo tài chính tốt theo thông lệ quốc tế, song song với việc xây dựng báo cáo tài chính hợp nhất toàn chính phủ.

“Việc ban hành các Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam xuất phát từ nhu cầu quản lý thống nhất về tài chính nhà nước, từ yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam và công tác kiểm soát tài chính nhà nước”, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết.

Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, đây là xu hướng cần thiết trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, tạo ra khuôn mẫu, chuẩn mực quan trọng cho lĩnh vực kế toán Nhà nước, góp phần quản lý, quản trị ngày càng tốt hơn nền tài chính quốc gia ở cả tầm vĩ mô và vi mô.

Cũng theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, qua hội thảo, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị kế toán công tổ chức nghiên cứu, đào tạo nội dung các chuẩn mực kế toán công Việt Nam đã được công bố, thực hiện tốt nội dung chuẩn mực được hướng dẫn tại các chế độ kế toán liên quan.

"Về phía Bộ Tài chính, theo thẩm quyền , chúng tôi sẽ nghiên cứu, sửa đổi các chế độ kế toán và các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp với chuẩn mực đã được công bố và quy định hiện hành về cơ chế tài chính công, ngân sách nhà nước", Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết.

Cải cách kế toán công giúp minh bạch thông tin tài chính
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Thông tin tại hội thảo, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn chia sẻ, Bộ Tài chính đang xây dựng Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán từ năm 2021 đến 2030. Trong đó, xác định rõ mục tiêu về việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về kế toán, kiểm toán; đổi mới hệ thống chuẩn mực và phương pháp nghiệp vụ; nâng cao năng lực quản lý, giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán; nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực về kế toán, kiểm toán; thống nhất và phát triển các hội nghề nghiệp.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính mong muốn có được sự phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời mong muốn các tổ chức quốc tế đồng hành, phối hợp và hỗ trợ kỹ thuật để triển khai thành công, có hiệu quả mục tiêu, giải pháp của Chiến lược này, trong đó có hệ thống VPSAS, Thứ trưởng bày tỏ.

Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới, việc ban hành và áp dụng các chuẩn mực VPSAS ở Việt Nam sẽ mang lại cơ sở tin cậy để đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính công, tăng hiệu quả quá trình đưa ra quyết định và nâng cao trách nhiệm giải trình. Hoạt động này cũng hỗ trợ Việt Nam cải thiện việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm cao hơn nhờ có kỷ luật tài chính tốt hơn và giúp giảm chi phí đi vay.

“Đây thực sự là nỗ lực chung của các bên và chúng tôi đánh giá rất cao sự tin tưởng và mối quan hệ bền chặt mà chúng ta đã xây dựng với các đối tác để đạt được kết quả này” - bà Steffi Stallmeister, Giám đốc Điều hành Hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Với bước tiến lớn nhằm cải thiện công tác lập báo cáo tài chính khu vực công, uy tín của Chính phủ cùng với niềm tin và sự tin tưởng của công chúng đối với công tác quản lý tài chính công sẽ được nâng cao rõ rệt”, bà Steffi Stallmeister nhấn mạnh.

Quá trình xây dựng các chuẩn mực VPSAS đợt đầu tiên được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada đồng tài trợ và ủy thác qua Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu tổng thể của chương trình là hỗ trợ cải cách của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tài chính công ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng và ban hành các chuẩn mực VPSAS các đợt tiếp theo và giám sát quá trình triển khai cũng như áp dụng các chuẩn mực kế toán đã ban hành.

Cải cách kế toán công giúp minh bạch thông tin tài chính
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

“Việc áp dụng các Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam là mốc quan trọng trong các nỗ lực của Chương trình Quản lý Tài chính công hướng tới cải thiện hiệu quả chi tiêu công và tăng cường quản lý nguồn lực công để hướng tới phát triển bao trùm và bền vững”, ông Werner Gruber, Trưởng Bộ phận Hợp tác quốc tế của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết./.

Giai đoạn 2021 -2024, Bộ Tài chính sẽ công bố 4 đợt, với 21 chuẩn mực kế toán công của Việt Nam. Sau năm 2024, sẽ công bố các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi tạo lập đầy đủ các điều kiện liên quan để giải quyết sự khác biệt phù hợp với kinh tế Việt Nam.