Tổng cục Hải quan là đơn vị tham gia tích cực cơ chế Một cửa quốc gia

Tổng cục Hải quan là đơn vị tham gia tích cực cơ chế Một cửa quốc gia.

Để NSW hoạt động tốt hơn, thực sự tạo thuận lợi cho DN thì cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của tất cả các bộ, ngành liên quan.

PV: Từ quan điểm của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ vận tải - hậu cần của Eurocham, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của NSW thời gian qua?

- Ông George E. Berczely: Tham gia cơ chế NSW, một số bộ đã có sự vào cuộc tích cực, nhưng một số bộ, ngành vẫn còn “đứng ngoài”. Đến nay, mới có 10 trong tổng số 14 bộ, ngành tham gia vào NSW, bao gồm: Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính/Tổng cục Hải quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh đó, số thủ tục được thực hiện thông qua NSW còn thấp, chỉ đạt 13% trên tổng số 280 thủ tục hành chính (theo Thông báo số 451/TB-VPCP ngày 30/12/2016). Tỷ lệ này còn khá thấp so với mục tiêu đề ra, đòi hỏi trong thời gian tới cần có sự cải thiện tích cực hơn.

PV: Ông nhận định như thế nào về sự tham gia của cơ quan hải quan (Bộ Tài chính) so với các bộ, ngành khác khi thực hiện NSW?

Ông George E. Berczely
Ông George E. Berczely

- Ông George E. Berczely: Cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những năm vừa qua. Trong 10 bộ, ngành đã tham gia NSW thì Tổng cục Hải quan là đơn vị tham gia khá tích cực dù có thể chưa được như kỳ vọng của các DN. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực này của cơ quan hải quan. Tổng cục Hải quan cho biết, 36 trong số 168 TTHC liên quan đến cấp phép giấy phép đã được thực hiện thông qua NSW. Dự kiến đến năm 2018, 100 thủ tục nữa sẽ được tích hợp vào NSW và đến năm 2020, 100% thủ tục sẽ được tích hợp.

PV: Theo ông, so với trước kia, NSW đã đem lại những thuận lợi gì cho DN? Những khó khăn hiện nay đối với DN nước ngoài khi thực hiện NSW là gì, thưa ông?

- Ông George E. Berczely: So với trước kia, NSW đã tạo thuận lợi hơn cho DN. Theo báo cáo Doing Business 2017 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số về giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam đã tăng 15 bậc so với năm trước nhờ những cải tiến về thủ tục hải quan cũng như một số thủ tục về quản lý chuyên ngành. Thời gian thông quan hàng hóa giảm hơn so với trước khi thực hiện NSW đã góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN.

Tuy nhiên, nhiều DN của Eurocham vẫn gặp khó khi thực hiện NSW. Nhà nhập khẩu hiện nay phải tốn nhiều chi phí và thời gian để xin cấp giấy phép chuyên ngành theo quy định. Ngoài ra, các DN nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các hướng dẫn về NSW, do tài liệu bằng tiếng Anh chậm cập nhật so với phiên bản bằng tiếng Việt. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Việc triển khai NSW đã cho thấy các quy định do nhiều cơ quan quản lý khác nhau ban hành hiện đang còn chồng chéo và tạo ra nhiều rào cản cho DN.

Bên cạnh đó, tất cả những thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu chưa được thực hiện 100% thông qua NSW dẫn đến mất thời gian và tạo nhiều khó khăn cho DN. Ví dụ như: Thủ tục ghi nhãn năng lượng cho phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng, thủ tục khai báo hóa chất, các thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm…

PV: Vậy ông có những đề xuất gì để cơ chế này thực sự hoạt động có hiệu quả, tạo thuận lợi hơn cho các DN?

- Ông George E. Berczely: Tôi cho rằng, để NSW hoạt động có hiệu quả, cần thiết lập kênh thông tin hai chiều giữa người dùng và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW. Điều này có thể giúp các DN cập nhật tiến độ thực hiện cũng như đóng góp hoặc đưa ra khuyến cáo cho Ủy ban chỉ đạo quốc gia về NSW về tạo thuận lợi cho thương mại. Đồng thời, cả hai phiên bản Tiếng Anh và Tiếng Việt nên có sẵn và được cập nhật đầy đủ với các thông tin chính xác như nhau trong NSW.

Bên cạnh đó, tất cả các bộ nên xem xét áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro để hỗ trợ và tăng cường thực hiện NSW. Điều này có thể giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện NSW và cũng giúp đỡ cộng đồng DN tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và quản lý chuyên ngành.

Các vấn đề liên quan đến triển khai NSW phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính (28%), mà đa số trách nhiệm của các bộ, ngành khác (72%). Tổng cục Hải quan nên đề nghị sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc đề nghị tất cả các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện NSW. Tất cả các bộ, ngành cần xây dựng hướng dẫn để giảm thời gian kiểm dịch và kiểm tra. Ngành Hải quan cần chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhiều nhất có thể, trừ những trường hợp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Việc đơn giản hóa thủ tục và chuyển đổi sang nền tảng điện tử sẽ đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu, xóa bỏ tình trạng mâu thuẫn và dư thừa, giúp DN và cơ quan nhà nước tập trung vào nội dung cần kiểm tra, thay vì thủ tục, giấy tờ. Khi các quy trình đều được thực hiện thông qua NSW thì nên bãi bỏ yêu cầu xuất trình bản gốc hoặc bản sao công chứng, cho phép hoàn toàn sử dụng bản điện tử để toàn bộ quy trình được chuyển sang nền tảng kỹ thuật số nhanh và hiệu quả, giúp giảm tiết tối đa sự can thiệp của con người.

NSW có sự tham gia của 14 bộ, ngành, nhưng hiện nay mới chỉ có 10 bộ tham gia. Vì vậy, trong thời gian tới, để NSW hoạt động tốt hơn, thực sự tạo thuận lợi cho DN thì cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của tất cả các bộ, ngành liên quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo ông George E. Berczely, hiện tại, 2/3 lượng nhập khẩu là từ đầu tư nước ngoài, nhưng thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện NSW lại không bao gồm các hiệp hội DN nước ngoài. Chính phủ nên bổ sung các hiệp hội DN nước ngoài vào Ban Chỉ đạo NSW, chứ không chỉ có VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).

Hà My (thực hiện)