Chiều ngày 5/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo với chủ đề “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường".

Sự kiện có sự tham dự trực tuyến (đầu cầu Hà Nội) của ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN); lãnh đạo và đại diện Vụ Tín dụng NHNN; Vụ Chính sách tiền tệ NHNN; Vụ Truyền thông NHNN và lãnh đạo Văn phòng NHNN.

Tham dự trực tiếp tại hội thảo có các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng thương mại, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, cùng khoảng 50 cơ quan báo, đài của trung ương và TP. Hồ Chí Minh.

Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Trần Xuân Toàn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đỗ Doãn
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Trần Xuân Toàn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đỗ Doãn

Theo chia sẻ của đại diện NHNN tại hội thảo, để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như giảm lãi suất.

Đến nay, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Qua đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi.

Tín dụng ngân hàng luôn là một kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế, khi tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đạt mức trên 125%.

Tính đến ngày 27/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, đến cuối tháng 2, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,94%; tín dụng lĩnh vực xuất khẩu chiếm 2,25%; tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,75%...

Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Đình Tuệ nêu giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng vào sản xuất. Ảnh: Đỗ Doãn
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Đình Tuệ nêu giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng vào sản xuất. Ảnh: Đỗ Doãn

Việc tín dụng đầu năm tăng thấp là do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao. Tuy nhiên, đến tháng 3/2024, tăng trưởng tín dụng đã phục hồi trở lại và đây là điểm sáng của hoạt động ngân hàng.

Tại hội thảo, các đại biểu đều có chung đề xuất là các ngân hàng nên tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Theo PGS -TS. Phạm Thị Thanh Xuân - Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, lợi ích của việc duy trì lãi suất cho vay thấp sẽ kích thích ý định đầu tư và tiêu dùng từ tương lai về hiện tại.

Dưới góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh đề xuất cần có sự hợp sức của Nhà nước - Ngân hàng - Doanh nghiệp để thúc đẩy tín dụng.

Cụ thể, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Còn phía ngân hàng - trong vai người cho vay nên hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ, đồng thời tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay, tăng cho vay tín chấp…

Đối với người đi vay, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành… qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Toàn cảnh buổi hội thảo bàn giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng. Ảnh: Đỗ Doãn
Toàn cảnh buổi hội thảo bàn giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng. Ảnh: Đỗ Doãn

Tại hội thảo, các đại biểu cũng kỳ vọng tín dụng sẽ tăng mạnh trở lại khi kinh tế khởi sắc hơn từ tháng 4/2024. Bởi, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 đến nay. Trong đó, cả 3 khu vực đều phát triển tốt (nông nghiệp tăng 2,98%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; dịch vụ tăng 6,12%). Phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng với xu hướng tích cực. Tháng 3 có 14,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2.

Ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, thời gian qua, Chính phủ, ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy tín dụng. Đơn cử ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN nhằm tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tổ chức các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản 15.000 tỷ đồng…

So với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 3/2024 tăng chưa đầy 1% so với cuối năm 2023. Điều này cho thấy cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để khơi thông tín dụng, đưa vốn ra thị trường, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế.