Cần khung pháp lý thuận lợi để kích hoạt kênh cấp vốn cho doanh nghiệp
Dư nợ cho thuê tài chính hiện đạt gần 40.000 tỷ đồng. Ảnh: TL

PV: Sau gần 30 năm ra đời, đến nay lĩnh vực cho thuê tài chính (CTTC) ở Việt Nam mới chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ của nền kinh tế. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng “chậm lớn” này?

Ông Phạm Xuân Hòe: Có nhiều lý do khác nhau khiến thị trường phát triển chưa xứng với tiềm năng to lớn của nền kinh tế Việt Nam, mấy chục năm nay vẫn chưa có tên trên bản đồ CTTC thế giới. Trong đó, thẳng thắn mà nói lý do lớn nhất là quy định pháp lý còn là rào cản với sự phát triển của thị trường.

Các công ty CTCT từ khi thành lập đến hoạt động gặp không ít khó khăn vướng mắc bắt nguồn từ tư duy, nhận thức và tâm lý phải quản chặt để hạn chế rủi ro khiến hành lang pháp lý cho loại hình này có rất nhiều bất cập.

Cần khung pháp lý thuận lợi để kích hoạt kênh cấp vốn cho doanh nghiệp
Ông Phạm Xuân Hòe

PV: Ông có thể nêu một số vướng mắc, bất cập điển hình về pháp lý mà các công ty CTTC đang gặp phải?

Ông Phạm Xuân Hòe: Vướng mắc lớn nhất hiện nay với lĩnh vực CTTC là rào cản gia nhập thị trường, điều kiện để các công ty gia nhập thị trường rất chặt chẽ. Ví dụ như các công ty CTTC phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng. Họ hoạt động với đối tượng giới hạn, được ghi trên giấy phép chứ không phải như những doanh nghiệp thông thường khác.

Ngay như quy định về cho thuê tài sản khác là gì chưa được làm rõ (tại Nghị định 39/2014/NĐ-CP). Các tài sản CTTC được quyền cho thuê nên phải là tất cả các tài sản, máy móc thiết bị, trừ một số tài sản lớn như máy bay. Rồi các chỉ tiêu về an toàn thường được áp chung như với các ngân hàng thương mại, trong khi công ty CTCT lại không được huy động tiền gửi dân cư.

Tỷ lệ bảo đảm khả năng chi trả của công ty CTTC lên tới 20% tổng nguồn vốn huy động. Công ty CTTC còn bị bó chặt trong quy định không được vay từ một năm trở lên tại các tổ chức tín dụng, tức là chỉ được vay vốn ngắn hạn trong khi CTTC là cung ứng vốn trung và dài hạn…

Chính vì thế, chúng tôi rất mong muốn trong lần sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng lần này, phần quy định về công ty CTTC được làm cụ thể, thông thoáng hơn, hướng tới các thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường CTTC tại Việt Nam.

PV: Là đại diện Hiệp hội CTTC, ông có đề xuất gì khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này để tạo điều kiện cho hoạt động CTTC có được bước đột phá?

Ngành cho thuê tài chính có nhiều tiềm năng

Tiềm năng phát triển ngành cho thuê tài chính (CTTC) tại Việt Nam là rất lớn với nền kinh tế năng động có quy mô GDP trên 400 tỷ USD, hơn 800 ngàn doanh nghiệp, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp… Do đó, nhu cầu về vốn, nhất là vốn trung dài hạn rất cao.

Tại các nước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, có tới trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa đi thuê tài sản, máy móc thiết bị, dây chuyền để sản xuất kinh doanh. Thị trường CTTC thế giới có quy mô hàng ngàn tỷ USD, trong đó năm 2022 là 1.463 tỷ USD, tăng 9,3% so năm 2021. 5 quốc gia có dư nợ CTTC thuộc top đầu là: Mỹ 473 tỷ USD, Trung Quốc 341 tỷ USD, Anh 92 tỷ USD, Đức 90 Tỷ USD, Nhật 65 tỷ USD…

Ông Phạm Xuân Hòe: Chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi tới cơ quan quản lý về sửa đổi luật rất cụ thể với đầy đủ các luận cứ khoa học và thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế.

Trong đó, nội dung căn bản là phải thay đổi về cách tiếp cận, coi CTTC là một kênh dẫn vốn bình đẳng như các ngân hàng thương mại. Từ đó, kiến tạo khung pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển thị trường này. Làm sao để đến năm 2025, dư nợ CTTC phải bằng 3 - 5% tổng dư nợ của nền kinh tế, khi đó mới tạo nên sức bật và phát huy tính ưu việt của CTTC.

PV: Xin ông cho biết một số đề xuất cụ thể có thể tạo thuận lợi ngay cho các doanh nghiệp?

Ông Phạm Xuân Hòe: Trong các góp ý sửa đổi luật, có một số vấn đề tôi muốn nhấn mạnh như là không nên quy định công ty CTTC chỉ được phép cung ứng dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và đầu tư cho chỉ bên thuê tài chính như hiện nay. Vì xét thực tiễn công ty CTTC có năng lực để cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, việc cung cấp các dịch vụ như vậy cho các đối tượng khác không phải là bên thuê tài chính không phải lúc nào cũng dẫn đến các tình huống xung đột lợi ích.

Do đó, chỉ cần quy định cấm công ty CTTC không được cung cấp các dịch vụ tư vấn ngân hàng, tài chính và đầu tư trong các tình huống có xung đột lợi ích là đảm bảo lợi ích của các bên cũng như không hạn chế khả năng phát triển kinh doanh của công ty CTTC.

Về phạm vi cho vay, hoạt động các công ty CTTC nên được mở rộng “cho vay cho mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh” như các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính, thay vì chỉ “cho vay bổ sung vốn lưu động với bên thuê tài chính” như hiện nay.

Với quy định hiện hành, để thực hiện hoạt động cho vay bổ sung vốn lưu động, công ty CTTC phải xác định các nhu cầu vốn phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của bên thuê và chỉ nhằm phục vụ cho tài sản thuê. Trong thực tế, đối tượng khách hàng của các công ty CTTC là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân kinh doanh và nguồn vốn của các công ty tài chính là rất quan trọng để phát triển phân khúc khách hàng quan trọng này.

Do đó, việc hạn chế cho vay của các công ty CTTC chỉ nhằm phục vụ cho việc vận hành của tài sản thuê, với nhu cầu vốn khá khiêm tốn, là không cần thiết. Các công ty CTTC nên được cho vay cho mọi mục đích sản xuất kinh doanh, miễn sao đáp ứng được các điều kiện và quy định của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực này. Bản thân các công ty CTTC có nghiệp vụ hoạt động có tính chuyên nghiệp cao nên sẽ quản trị được rủi ro tín dụng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tạo hành lang pháp lý riêng cho lĩnh vực cho thuê tài chính

Tại hội thảo mới đây về môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển CTTC ở Việt Nam, ông Jinchang Lai, chuyên gia trưởng của IFC cho rằng Việt Nam cần có luật cụ thể và tư duy rõ ràng cho sự phát triển của ngành CTTC. Trong trường hợp gộp chung một luật thì cần tách bạch rõ yêu cầu quản lý và giám sát với các công ty CTTC.

Theo ông Jinchang Lai, những tổ chức cho vay nhận tiền gửi rất cần phải thận trọng vì nhận tiền gửi của người dân, trong khi các công ty CTTC hầu như không phải bảo vệ lợi ích của công chúng và không có rủi ro hệ thống thực sự (trừ một vài rủi ro lớn nhất nếu ngành đã phát triển lớn mạnh). Do vậy, quy định về CTTC không nên mang tính quá thận trọng, trừ một số quy định quan trọng mang tính hệ thống.

Hiện tại, khung pháp lý cơ bản về CTTC ở Việt Nam gồm có Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Nghị định 39 năm 2014. Để có hành lang pháp lý phù hợp phát triển CTTC tại Việt Nam trước tiên cần có định nghĩa phù hợp về CTTC, đồng thời cần có: quy định cụ thể rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên; tích hợp trong khung giao dịch bảo đảm; xử lý hiệu quả tài sản cho thuê; đảm bảo quyền mạnh mẽ của bên cho thuê theo Luật Phá sản, gồm quyền ưu tiên, tự động phong tỏa và đưa vào tài sản phá sản.

Trước mắt, Bộ Tư pháp nên soạn thảo nghị định về cho thuê tài chính điều chỉnh các vấn đề liên quan. Về lâu dài, cần có Luật CTTC riêng, nếu không tối thiểu là một mục riêng và rõ ràng về CTTC trong Bộ Luật Dân sự.