chính sách thuế

Một số chính sách thuế mới được Bộ Tài chính ban hành, sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 12/2015. Ảnh T.L minh họa

Chi phí cho nhập, xuất lương thực, vật tư dự trữ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 160/2015/TT-BTC, quy định mức chi phí nhập, chi phí xuất lương thực, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, muối trắng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.

Cụ thể như phí nhập kho gạo là 387.893 đồng/tấn, phí xuất kho gạo là 334.509 đồng/tấn; phí xuất muối ăn là 248.607 đồng/tấn; phí nhập, xuất xuồng DT4 là 9.237.322 đồng/bộ; phí nhập, xuất xuồng DT3 là 8.914.159 đồng/bộ; phí nhập, xuất nhà bạt cứu sinh loại 60m2 là 295.000 đồng/bộ; phí nhập xuất máy phát điện là 4.456.777 đồng/chiếc; phí nhập, xuất máy xúc, đào đa năng là 5.119.941 đồng/chiếc…

Định mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý bao gồm các nội dung chi có liên quan đến công tác nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia tại kho. Cụ thể: Thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá; kiểm tra, kiểm định hàng dự trữ quốc gia; sửa chữa, kiểm định phương tiện đo lường; sửa chữa, mua sắm công cụ, dụng cụ, bao bì phục vụ nhập, xuất (nếu có)…

Thông tư 160 có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Định mức chi phí mới bảo quản hàng dự trữ quốc gia

Theo quy định tại Thông tư 161/2015/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, định mức chi phí bảo quản lương thực, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, muối trắng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt lương thực dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý như sau:

Đối với thóc bảo quản đổ rời trong điều kiện áp suất thấp, chi phí bảo quản lần đầu (mới) là 416.314 đồng/tấn; bảo quản thường xuyên mức phí là 163.127 đồng/tấn.năm.

Đối với gạo bảo quản kín, phí bảo quản lần đầu (mới) là 285.156 đồng/tấn; phí bảo quản thường xuyên là 115.690 đồng/tấn.năm. Đối với xuồng cứu nạn, phí bảo quản lần đầu loại DT1 là 4.327.267 đồng/chiếc; bảo quản lần đầu loại DT2, mức phí là 4.461.596 đồng/bộ; bảo quản thường xuyên loại DT1 mức phí 4.995.671 đồng/chiếc.năm; bảo quản thường xuyên loại DT2, mức phí 5.697.021 đồng/bộ.năm…

Về định mức hao hụt đối với gạo bảo quản kín, Thông tư quy định, thời gian bảo quản dưới 12 tháng mức hao hụt là 0,050%; thời gian bảo quản từ 12 - 18 tháng: 0,058%; thời gian bảo quản trên 18 tháng: 0,066%...

Thông tư 161 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2015.

Quy định mới về quản lý và hạch toán cổ phiếu quỹ

Theo quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc quản lý và hạch toán cổ phiếu quỹ được quy định như sau: Cổ phiếu quỹ được coi là cổ phần chưa bán theo quy định tại Khoản 4 Điều 111 Luật Doanh nghiệp.

Cổ phiếu quỹ không có quyền biểu quyết, nhận lợi tức, các quyền phát sinh từ việc chào bán, phát hành thêm cổ phiếu và các quyền khác và có thể được tiêu hủy để giảm vốn điều lệ theo Quyết định của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Công ty đại chúng phải báo cáo UBCKNN, đồng thời công bố thông tin về việc tiêu hủy cổ phiếu trên phương tiện thông tin đại chúng trong 24 giờ kể từ khi tiêu hủy cổ phiếu quỹ.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có Quyết định của ĐHĐCĐ về việc tiêu hủy cổ phiếu quỹ, công ty đại chúng phải làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ. Việc quản lý, hạch toán và tiêu hủy cổ phiếu quỹ thực hiện theo các nguyên tắc hạch toán kế toán. Trường hợp phát sinh cổ phiếu quỹ sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp thì phải xử lý theo pháp luật.

Thông tư 162/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2015, thay thế Thông tư 130/2012/TT-BTC và Thông tư 204/2012/TT-BTC.

Thuế suất 0% cho vật tư, linh kiện sản xuất sản phẩm CNTT

Căn cứ Nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 164/2015/TT-BTC để bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất ưu đãi riêng đối với vật tư, linh kiện sản xuất sản phẩm CNTT - nhóm 98.34, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2015.

Thông tư 164/2015/TT-BTC bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối mới hàng hóa thuộc nhóm 98.34 nói trên. Theo đó, các mặt hàng thuộc nhóm 98.34 được bổ sung đều áp dụng thuế suất nhập khẩu 0%.

Thông tư 164/2015/TT-BTC để bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất ưu đãi riêng đối với vật tư, linh kiện sản xuất sản phẩm CNTT - nhóm 98.34 có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2015 đồng thời bãi bỏ Điều 2, Điều 3 Thông tư 101/2015/TT-BTC.

Đối với các trường hợp đã đăng ký danh mục nguyên liệu, vật tư và bộ phận phụ trợ để sản xuất các sản phẩm CNTTtrọng điểm theo Thông tư 101/2015/TT-BTC nhưng sửa đổi, bổ sung, cấp lại danh mục và báo cáo tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ kể từ ngày Thông tư 164/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Thông tư 164.

Tăng thuế nhập khẩu ưu đãi của xe ô tô thuộc nhóm 87.04

Quy định này được đề cập tại Thông tư 163/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa thuộc nhóm 87.04 và bộ linh kiện ô tô, khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa thuộc nhóm 87.04 tăng so với trước. Cụ thể như sau:

Tăng từ 30% lên 50% đối với xe có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn thuộc mã hàng 8704.10.25; tăng từ 20% lên 50% đối với xe có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn thuộc mã hàng 8704.10.26.

Tăng từ 15% lên 20% đối với: Xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải thuộc mã hàng 8704.21.22, 8704.22.22, 8704.23.22…; xe xi téc; xe chở xi măng kiểu bồn thuộc mã hàng 8704.21.23…; Xe chở bùn có thùng rời nâng hạ được thuộc mã hàng 8704.21.25, 8704.22.45, 8704.23.45…; Xe đông lạnh thuộc mã hàng 8704.22.21, 8704.23.21…

Thông tư 163/2015/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2015.

Miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện lắp ráp xe buýt

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 169/2015/TT-BTC hướng dẫn miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thuộc loại trong nước chưa sản xuất được theo Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Về điều kiện áp dụng, theo quy định tại Thông tư này là các dự án sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg. Bên cạnh đó là phụ tùng, linh kiện nhập khẩu phục vụ Dự án sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không thuộc Danh mục phụ tùng, linh kiện để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong nước đã sản xuất được do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 9 Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg.

Thông tư 169 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/12/2015. Đối với phụ tùng, linh kiện nhập khẩu để phục vụ Dự án sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đăng ký tờ khai hải quan kể từ ngày 1/7/2015 đến trước ngày Thông tư 169 có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng các điều kiện quy định thì được miễn thuế nhập khẩu theo khoản 1 Điều 5 Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này./.

Hoàng Lâm