tài chính ngân sách nhà nước

Ảnh T.L minh họa

Điều chỉnh phí đường bộ qua 4 trạm thu phí

* Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 121/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km2123+250 quốc lộ 1, tỉnh Sóc Trăng, có hiệu lực từ ngày 3/9/2016.

Theo thông tư này, đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, mức phí sẽ là 25.000 đồng/vé lượt, 750.000 đồng/vé tháng và 2.025.000 đồng/vé quý; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn, mức phí là 35.000 đồng/vé lượt…

* Theo quy định tại Thông tư 122/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, các mức thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí tại Km2171+200, QL 1, tỉnh Bạc Liêu sẽ thay đổi từ ngày 3/9/2016.

Cụ thể, mức thu phí đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 25.000 đồng/vé lượt; 750.000 đồng/vé tháng và 2.025.000 đồng/vé quý; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn mức phí là 35.000 đồng/vé lượt….

* Theo Thông tư 123/2016/TT-BTC, mức phí sử dụng đường bộ thấp nhất qua trạm thu phí cầu Yên Lệnh quốc lộ 38 áp dụng đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 35.000 đồng/lượt; mức cao nhất 180 nghìn đồng/lượt được áp dụng với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lênvà xe chở hàng bằng container 40 fit phí.

Thông tư 123/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/9/2016.

* Một loạt mức thu phí đường bộ tại trạm thu phí Mỹ Lộc quốc lộ 21B, tỉnh Nam Định đã được điều chỉnh giảm từ ngày 20/9/2016 theo quy định tại Thông tư 125/2016/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Theo quy định mới, mức thu phí đối với nhóm xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng giảm 10.000 đồng, từ 30.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/vé/lượt. Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn giảm 10.000 đồng, từ 40.000 đồng xuống còn 30.000 đồng/vé/lượt; Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn giảm 6.000 đồng, từ 50.000 đồng xuống còn 44.000 đồng/vé/lượt...

Hai hình thức tổ chức Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của DN

Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của DN có thể tổ chức dưới một trong hai hình thức như sau: Thành lập tổ chức không có tư cách pháp nhân và trực thuộc DN; không thành lập tổ chức Quỹ và do cán bộ của DN kiêm nhiệm thực hiện các hoạt động.

DN phải gửi Quyết định thành lập Quỹ cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN đóng trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Quỹ. Đồng thời, gửi Quy chế khoa học và công nghệ của DN, Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ cho cơ quan thuế nơi DN đóng trụ sở chính cùng thời điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên.

DN tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế TNDN trong kỳ (trừ DNNN). Cho phép DN được điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ xuống Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các công ty con hoặc DN thành viên và ngược lại.

Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016,

Hướng dẫn thanh toán tiền chênh lệch thuê nhà ở công vụ

Ngày 3/8/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 124/2016/TT-BTC, nhấn mạnh khi thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ mà tiền thuê nhà ở thương mại cao hơn số tiền thuê do người thuê phải trả thì người thuê phải trả tiền thuê nhà tối đa bằng 10% tiền lương đang được hưởng tại thời điểm thuê nhà ở công vụ.

Đồng thời khẳng định, cơ quan quản lý cán bộ đủ tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ phải có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà ở công vụ để xác định số tiền thuê nhà ở công vụ phải trả và xác định phần chênh lệch giữa số tiền thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ và số tiền người thuê nhà phải trả, số tiền ngân sách Nhà nước chi trả cho phần chênh lệch theo quy định để xây dựng và đưa vào dự toán chi tiêu hàng năm của đơn vị. Phần tiền chênh lệch này được chi trả hàng tháng dựa trên dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với thời điểm Nhà nước thanh toán tiền lương và được thực hiện quyết toán cùng với quyết toán chung của đơn vị.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/9/2016.

Sản phẩm thân thiện với môi trường được miễn, giảm thuế xuất khẩu

Theo Thông tư số 128/2016/TT-BTC ngày 9/8/2016, Bộ Tài chính miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường có tên trong Biểu thuế xuất khẩu và có văn bản chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Giảm 50% mức thuế xuất khẩu (trường hợp mức thuế xuất khẩu sau khi giảm thấp hơn mức sàn khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thì sẽ áp dụng mức sàn khung thuế suất thuế xuất khẩu) đối với các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.

Trường hợp sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu nêu trên không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ Tài chính.

Trường hợp sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu nêu trên đã nộp thuế xuất khẩu vượt quá số tiền được miễn, giảm thì số thuế nộp thừa được xử lý theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.

Thông tư 128/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2016./.

Hoàng Lâm