Bài học lớn từ sự đồng hành, quyết tâm

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội?

Chính sách tài khóa tiếp tục là điểm tựa để kinh tế bứt phá
PGS.TS Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên: Nghị quyết 43 được Quốc hội ban hành đã thể hiện sự năng động, hiệu quả, kịp thời để giải quyết các tình huống đặc thù trong bối cảnh tình hình đất nước khó khăn. Trong điều kiện thế giới suy thoái, khó khăn do dịch bệnh, Quốc hội Việt Nam với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ đã có sự nhìn nhận một cách toàn diện, từ sớm, từ xa quyết đáp một số cơ chế chính sách để giải quyết những tình huống, thách thức về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước đang đặt ra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid -19.

Hiệu quả và sự kịp thời của các chính sách này đã đưa đến kết quả tốt đẹp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, cũng như trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh trong 3 năm vừa qua.

Đến nay chúng ta có thể khẳng định với nhau rằng, tất cả cơ chế chính sách trong Nghị quyết 43 đều đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đã kịp thời hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống, trong sản xuất kinh doanh.

Những thành quả của Việt Nam trong năm 2022 có một dấu ấn rất quan trọng của Nghị quyết 43 của Quốc hội. Nghị quyết của Quốc hội chính là nền tảng quan trọng, đánh dấu sự đồng hành giữa Quốc hội với Chính phủ trong bối cảnh khó khăn.

PV: Nếu nói riêng về chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, DN, đóng góp vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông có nhận xét gì?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Trong gần 3 năm qua, Chính phủ nói chung, Bộ Tài chính nói riêng đã rất nỗ lực, quyết liệt thực hiện các chương trình hỗ trợ, khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc này không chỉ giúp cho nền kinh tế thoát khỏi khó khăn mà còn có những động thái hỗ trợ cho sự phát triển sau phục hồi.

Tôi cho rằng, với quyết tâm tranh thủ thời cơ phục hồi trước để vượt lên, Chính phủ, Bộ Tài chính đã làm nhiều việc có ý nghĩa. Nói là “quyết tâm” vì rõ ràng tiền để triển khai các chính sách đó là tiền ngân sách, là tiền tài khóa mà ra.

Một điểm nữa cần nhấn mạnh là việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đây là một giải pháp có tầm nhìn.

Chính sách tài khóa tiếp tục là điểm tựa để kinh tế bứt phá

Trong gần 3 năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết liệt thực hiện các chương trình hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Động thái nữa để giúp nền kinh tế mà tôi đánh giá rất cao là dùng giải pháp tài khóa ngăn chặn sự gia tăng lạm phát. Xác định được lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy nhập khẩu từ bên ngoài, để ngăn chặn hiệu quả chỉ có thể sử dụng giải pháp tài khóa, công cụ tài chính. Đây là bài học rất lớn, phát huy được quy tắc “chi tiêu ngân sách liên chu kỳ”. Tức là khi nền kinh tế khó khăn, tài khóa mạnh, tương đối vững do có sự tích lũy tốt từ thu ngân sách trước đó, ta sử dụng để chi tiêu mạnh hơn, hỗ trợ cho nền kinh tế, giảm thuế phí nhiều hơn, dư địa để giúp doanh nghiệp (DN) tốt hơn.

“Dĩ bất biến - ứng vạn biến” và bản lĩnh trong hành động

PV: Trong khó khăn, nhưng như ông từng nhận định, Việt Nam thời gian qua đã “trụ hạng” rất tốt. Quan điểm của ông ra sao khi có ý kiến cho rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời với liều lượng phù hợp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DN?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Theo tôi, chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, DN vẫn cần tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới. Ngoài câu chuyện giảm thuế, phí chung cho nền kinh tế thì có những khu vực cần được tập trung ưu tiên để giúp cho các ngành, các tuyến DN, các khu vực có điều kiện bứt lên, từ đó kéo cả nền kinh tế “đứng dậy”. Lúc này là lúc cần phải đặt trọng tâm giúp DN nhiều hơn nữa.

Năm 2023, DN vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, lúc này chính sách tài khóa, chi tiêu ngân sách phải hỗ trợ, giải ngân đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn. Điều này cần sự nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, Bộ Tài chính.

PV: Bên cạnh những thành công trong triển khai Nghị quyết 43, đến nay chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận với nhau rằng, vẫn còn những mục tiêu đặt ra chưa đạt được như mong đợi, ông nhìn nhận gì về điều này?

“Phòng ngự” tốt để giữ vững an ninh, an toàn tài chính

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, định hướng chung cho bức tranh ngân sách 2023, với tác động bên ngoài, chúng ta cần “phòng ngự” cho tốt, nghĩa là phải giữ được an ninh, an toàn về dự trữ quốc gia. Thứ hai, phải chuẩn bị tâm thế để phòng chống khủng hoảng về tài chính tiền tệ có thể tác động đến Việt Nam. Chính sách tài khóa và tiền tệ phải ăn khớp, phải linh hoạt và thắt chặt khi cần.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách hành chính để cắt giảm các khoản chi tiêu hành chính của cả hệ thống, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; phải thực hành tiết kiệm triệt để trong bộ máy hành chính. Đồng thời, duy trì nghiêm kỷ luật tài chính, đặc biệt chống thất thu ngân sách, đảm bảo các giải pháp đồng bộ để xử lý các vi phạm pháp luật trong thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bên cạnh những thành công như tôi đã nói ở trên, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, việc giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch theo Nghị quyết 43 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng quá chậm. Hay như việc hỗ trợ lãi suất 2% năm được các DN và người dân rất kỳ vọng, hiệu quả cũng không được như mong muốn. Việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng vậy.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công (đến cuối tháng 8/2022 mới thực hiện) phần nào làm giảm tác động tích cực vào nền kinh tế. Việc hỗ trợ người lao động cũng chưa đạt được tiến độ như mong muốn của Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi không đạt kết quả như mong muốn…

PV: Chương trình được thực hiện trong 2 năm (2022 - 2023), cho nên chúng ta vẫn có thể “biến điều không thể thành có thể”. Muốn vậy, theo ông, trong thời gian tới, cần phải làm gì để rốt ráo thực hiện cho được các mục tiêu mà Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đề ra?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đề xuất đối với gói hỗ trợ 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi chưa giải ngân hết có thể chuyển sang hỗ trợ bằng hình thức khác như miễn giảm thuế, phí, lệ phí.

Tôi cho rằng, đây cũng là một quan điểm mà cơ quan quản lý cần cân nhắc, nghiên cứu. Trong năm 2023, chúng ta cần xem xét chuyển hóa phần còn lại của gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng nhanh chóng, bởi cuối năm 2023 sẽ kết thúc chương trình. Vì vậy, để không lãng phí thêm nguồn lực, có thể hỗ trợ bằng cách miễn, giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp ở một số ngành, như vậy kết quả hỗ trợ toàn diện và có tác động tốt hơn, hiệu quả mang tính lan tỏa hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!