Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã có tốc độ phát triển tốt, đóng góp nhiều hơn cho NSNN
* PV: Ông đánh giá như thế nào về những chính sách tài chính đã và đang thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế?
-TS. Vũ Đình Ánh: Thời gian qua, chính sách tài chính đã được cơ cấu lại nhưng hầu hết đều là tự thân, ít gắn với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như tái cơ cấu nền kinh tế.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, chính sách tài chính cần phải đẩy mạnh hơn nữa về vai trò, ý nghĩa cũng như động lực để thúc đẩy mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, chính sách này thay vì trực tiếp tác động vào khu vực kinh tế, thì cần lưu ý hơn đến việc tác động gián tiếp, để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo ngành, theo lĩnh vực.
* PV: Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra nhiều mục tiêu ưu tiên để định hướng chính sách tài chính, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong trước mắt cũng như giai đoạn 2020 - 2030, theo ông, trong nhóm các giải pháp đó, vấn đề nào là quan trọng nhất?
- TS.Vũ Đình Ánh: Vấn đề quan trọng đối với định hướng chính sách tài chính - ngân sách trong thời gian tới, tôi cho rằng, đó là cơ cấu lại ngân sách, trong đó có chi NSNN gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là tăng vai trò chủ động của cơ cấu lại chi NSNN và khoản chi NSNN để tác động trực tiếp, có hiệu quả hơn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu theo ngành và thành phần kinh tế.
![]() |
TS. Vũ Đình Ánh |
Đối với yêu cầu định hướng hiện tại thì các chuyển dịch cơ cấu về chi ngân sách, trong đó có chuyển dịch cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ công (nợ gốc và lãi), thì vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo sự ổn định, bền vững của cơ cấu chi NSNN gắn với đảm bảo an ninh tài chính. Một vấn đề nữa đó là, trước đây tái cơ cấu chi NSNN chỉ tập trung giải quyết các nội tại của ngành Tài chính để đạt được mục tiêu bền vững, an toàn và lành mạnh. Tới đây, trong cơ cấu chi NSNN (chi thường xuyên và chi trả nợ) nên đặt thêm mục tiêu chi NSNN gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, cũng như tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Có như vậy, chuyển dịch cơ cấu chi NSNN mới đóng vai trò chủ động, tích cực.
* PV: Phát triển kinh tế tư nhân được quan tâm trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu. Mặc dù vậy, những đóng góp vào ngân sách của khu vực này lại cao hơn hẳn so với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Theo ông, chính sách tài chính trong thời gian tới cần định hướng ra sao để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển?
- TS.Vũ Đình Ánh: Chính sách tài chính hiện nay hầu hết vẫn tạo ưu đãi cho khu vực kinh tế nhà nước. Bên cạnh đó, các chính sách về thuế, hỗ trợ đất đai, điều kiện sản xuất kinh doanh cũng thường dành ưu đãi lớn hơn cho khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dù vậy khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã có tốc độ phát triển tốt, đóng góp nhiều hơn cho NSNN. Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển điều đầu tiên là phải tạo môi trường bình đẳng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đổi mới, cải cách, sắp xếp lại khu vực kinh tế nhà nước để tạo dư địa, không gian cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc phát triển của thị trường. Có như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới đóng vai trò tích cực và quan trọng hơn là trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế,
* PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của Diễn đàn Tài chính đối với cá nhân ông là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, cũng như việc hoạch định chính sách của ngành Tài chính?
- TS.Vũ Đình Ánh: Đây là lần thứ ba Bộ Tài chính tổ chức diễn đàn tài chính, nhưng phải khẳng định chất lượng của diễn đàn cũng như các báo cáo và phát biểu tại diễn đàn đã giúp rất nhiều cho công tác từ nghiên cứu đến điều hành và định hướng cơ chế chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực tài chính.
Trong bối cảnh Việt Nam có nhiều hội thảo, diễn đàn về kinh tế - tài chính, thì diễn đàn tài chính của ngành Tài chính đã khẳng định uy tín, vị trí của mình. Diễn đàn không chỉ bó hẹp trong nội bộ ngành Tài chính mà còn là nơi để giới nghiên cứu và giới hoạch định chính sách trao đổi, giúp hoạch định chính sách tài chính tốt hơn, gắn giữa cơ sở thực tiễn và lý luận. Như vậy, diễn đàn không chỉ giúp ích cho việc phát triển lĩnh vực tài chính mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Minh Anh (thực hiện)