PV: Ông nhìn nhận thế nào về thực tế các vụ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng gia tăng?

Ông Lê Triệu Dũng: Số lượng vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết quý I/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Chủ động phòng vệ thương mại để tránh rủi ro với hàng hóa xuất khẩu
Ông Lê Triệu Dũng

Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Đây là thực tế chung của thương mại quốc tế. Các ngành sản xuất, xuất khẩu của chúng ta cần lưu ý vấn đề này trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh, xuất khẩu của mình.

Khi các doanh nghiệp xuất khẩu của một nước bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp này thường tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất sang nước khác. Trong khi đó, với chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đó để dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên, điều này khiến xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến, dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và bị áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung, hoặc chế tài xử phạt của nước nhập khẩu.

PV: Thưa ông, thời gian qua, cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Công thương đã có hành động nào để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Lê Triệu Dũng: Thời gian qua, trong một số vụ việc, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan trực tiếp cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả rất tích cực. Trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM, hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam là một trong những mặt hàng bị Mexico khởi xướng điều tra chống bán phá giá từ tháng 10/2021.
Thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam là một trong những mặt hàng bị Mexico khởi xướng điều tra chống bán phá giá từ tháng 10/2021.

Năm 2021 ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá, hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia,...

PV: Trong bối cảnh số vụ việc Việt Nam bị điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM có dấu hiệu gia tăng, tới đây để hỗ trợ doanh nghiệp và các ngành hàng xuất khẩu bền vững, công tác cảnh báo sớm sẽ được tiếp tục triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Lê Triệu Dũng: Triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Công thương đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.

Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM, cụ thể là: gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài...

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan liên quan xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm theo lộ trình nhằm tăng cường hơn nữa việc quản lý, giám sát các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để đảm bảo uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngăn chặn không để tình trạng gian lận xuất xứ của một bộ phận ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu làm ăn chân chính.