Bộ Tài chính mới đây đã có hồ sơ gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm thuế, phí năm 2024

Theo dự thảo tờ trình của Chính phủ về xây dựng nghị quyết, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024.

Cụ thể như: tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.

Chuẩn bị trình Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết, dự thảo tờ trình của Chính phủ cho hay.

Mục tiêu của chính sách này là kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Xem xét tiếp tục giảm thuế sau tháng 6/2024 nếu tình hình còn khó khăn

Dự thảo nghị quyết cũng nêu giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT sau thời điểm 30/6/2024 nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện chính sách này bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả.

Dự kiến, nghị quyết này điều chỉnh đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Như vậy, phương án giảm thuế GTGT tại dự thảo nghị quyết giữ nguyên như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Đối tượng áp dụng của nghị quyết là các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Để đảm bảo kịp thời trình Quốc hội ban hành nghị quyết nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ: trình UBTVQH, Quốc hội cho phép xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chuẩn bị trình Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024
Bộ Tài chính trình Chính phủ: Trình UBTVQH, Quốc hội cho phép xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT theo trình tự, thủ tục rút gọn

Dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng

Khi áp dụng chính sách, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) vào khoảng 4.175 tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng.

Con số này tính toán trên cơ sở số giảm thu NSNN ở khâu nội địa từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023 bình quân mỗi tháng là khoảng 2.550 tỷ đồng. Giả định tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6 - 6,5%, tốc độ tăng trưởng thu NSNN năm 2024 khoảng 5 - 7%, thì mức giảm thu ở khâu nội địa bình quân 1 tháng trong năm 2024 dự kiến là 2.700 tỷ đồng (bằng 2.550 tỷ x 106%); mức giảm thu bình quân 1 tháng ở khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.

Đồng thời, ngành Tài chính quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Trong điều hành yêu cầu cả ngân sách trung ương và ngân sách, các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để đảm bảo cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.

Đối với tác động tăng trưởng kinh tế, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.

Qua 3 tháng thực hiện (tháng 7, 8 và tháng 9 năm 2023), chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng, từ đó góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.