BN

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc Chính phủ trình Quốc hội việc chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Chính phủ trình việc chuyển đổi chủ trương đầu tư các dự án có lý do là các nhà đầu tư tư nhân còn thiếu năng lực về tài chính, dù năng lực thi công tốt. Đồng thời là để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, góp phần tăng trưởng GDP.

Tôi rất đồng tình hai lý do này, tuy nhiên vấn đề đặt ra là chưa tổ chức đấu thầu thì làm sao biết đủ năng lực hay không? Trên thực tế là người ta cam kết, thậm chí chúng tôi đã trao đổi với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn cho rằng đã cam hết thì thực hiện, không thực hiện được thì vi phạm hợp đồng, mất đặt cọc.

Một vấn đề nữa đại biểu cũng băn khoăn. Đó là, từ xưa đến nay chúng ta rất muốn làm Luật PPP để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, vừa để thu hút tăng nguồn lực tài chính, vừa tăng năng lực quản trị để hiệu quả, minh bạch hơn. Trong lúc chúng ta đang làm luật và dự kiến thông qua Luật PPP trong kỳ này, thì lại chuyển các dự án PPP sang đầu tư công. Nếu không có thông tin đầy đủ, phân tích có cơ sở khoa học thì đây là vấn đề phải cân nhắc.

Theo tờ trình, Chính phủ cho rằng đầu tư công sẽ nhanh hơn đầu tư theo hình thức PPP. Tôi không nghĩ như vậy bởi thời gian qua, hầu như tất cả các dự án đầu tư công đều chậm tiến độ, trong khi nhà đầu tư thực hiện hình thức PPP thì triển khai rất nhanh. Họ tự quyết được vì đó là tiền của họ. Chẳng hạn một số dự án như sân bay Vân Đồn, hay một số dự án năng lượng gần đây, họ làm mấy tháng là xong, còn ta chắc làm rất lâu. Rõ ràng, tính thuyết phục của lý do này chưa cao.

Mặt khác, Chính phủ cũng xin một số cơ chế nhưng tôi cho rằng cơ chế trong Nghị quyết 52 đã có đủ hết. Tuy vậy, việc triển khai vẫn chậm vì từ năm 2017 đến nay mới triển khai được 3 dự án đầu tư công, các dự án còn lại đều chưa làm được, mà giờ lại xin chuyển đổi. Vì lẽ đó, tôi cho rằng Chính phủ cần phải cung cấp thêm thông tin cho đại biểu cũng như giải trình thuyết phục hơn.

PV: Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc này. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng đây là việc của Chính phủ vì hiện theo quy định của pháp luật có 2 hình thức, một là đấu thầu, hai là chỉ định thầu. Về mặt nguyên tắc thì ưu tiên đấu thầu vì sẽ chọn được những nhà thầu đủ năng lực, trình độ để triển khai tốt nhất theo yêu cầu của gói thầu.

Trong trường hợp 2 thì cũng có thể chỉ định thầu theo quy định của pháp luật. Còn chỉ định ai thì cũng phải đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nếu không đó là trách nhiệm của người chỉ định thầu.

PV: Tuy nhiên, điều đáng nói là Tổng Công ty Sông Đà đang làm ăn thua lỗ, có khoản nợ rất lớn?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Muốn chỉ định thầu thì phải xác định được tiêu chỉ để chỉ định. Đấu thầu cũng như vậy, phải xác định được tiêu chí, như là phải có năng lực thi công, năng lực tài chính... Nếu không có năng lực tài chính thì lấy đâu tiền để thi công. Đây là câu chuyện hồ sơ mời thầu đặt ra và người quyết định hồ sợ mời thầu phải chịu trách nhiệm về điều đó. Pháp luật đã quy định trách nhiệm của từng người, từng cấp. Về phía quan điểm cá nhân thì tôi cho rằng một người khoẻ mạnh thì sẽ làm tốt hơn người yếu đuối, khiếm khuyết.

PV: Xin cảm ơn đại biểu.

Theo tờ trình của Chính phủ, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án thành phần gồm 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và 2 dự án quan trọng, cấp bách, kết nối với cửa ngõ các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước gồm các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63 km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km.

Chính phủ cho biết sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được cập cập nhật, phê duyệt bước nghiên cứu khả thi là 102.513 tỉ đồng.

Nếu chuyển 3 dự án thành phần trên sang đầu tư công thì tổng mức đầu tư của dự án còn khoảng 100.816 tỉ đồng. Trong đó, vốn NSNN cho toàn bộ dự án khoảng 78.461 tỉ đồng, bao gồm vốn NSNN đã bố trí 55.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, phần vốn còn thiếu khoảng 23.461 tỉ đồng, Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định theo đúng quy định của Luật đầu tư công.

H.Y