Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham):

Doanh nghiệp châu Âu hướng tới năm 2022 thịnh vượng

Cơ hội mới để phục hồi kinh doanh  trong năm 2022

Bất chấp những thách thức của Covid-19, đặc biệt trong làn sóng dịch lần thứ tư, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trong những thời điểm khó khăn ấy. Các doanh nghiệp châu Âu vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy có một số đơn hàng bị dịch chuyển ra khỏi Việt Nam nhưng không có doanh nghiệp thành viên EuroCham nào rời thị trường Việt Nam vì Covdi-19. Bên cạnh đó, các thành viên của EuroCham đã quyên góp hơn 1,5 triệu Euro cho chiến dịch “Breathe Again – Hồi sinh Nhịp thở”, quyên góp trang thiết bị y tế cần thiết cho các bệnh viện gặp khó khăn và các nhân viên y tế tuyến đầu. Đây là minh chứng cho tinh thần và cam kết lâu dài của các thành viên EuroCham với Việt Nam.

Mặc dù còn nhiều thách thức, chúng ta vẫn giữ hy vọng. Việt Nam đang bắt đầu trở lại kinh doanh như bình thường và cuộc sống bình thường. Vì vậy, tôi không muốn nhấn mạnh quá nhiều vào những thách thức trong quá khứ. Thay vào đó, tôi muốn tập trung vào tương lai của hiệp hội: chuyển trọng tâm từ việc sống sót sau đại dịch sang phát triển trong điều kiện "bình thường mới".

Ông Michele D’Ercole – Chủ tịch Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM):

Không có doanh nghiệp Ý nào rời khỏi thị trường Việt Nam

Cơ hội mới để phục hồi kinh doanh  trong năm 2022

Trong năm vừa qua, tại Việt Nam và cả châu Âu, đặc biệt là ở Ý, tình hình dịch bệnh diễn ra rất phức tạp. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Ý vẫn tăng khoảng 40%, vì vậy, chúng tôi có ấn tượng tốt về thị trường Việt Nam.

Năm 2021 thực sự là một năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Ý tại đây nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay, 100% các doanh nghiệp Ý tại Việt Nam chưa có ý định rời khỏi thị trường Việt. Chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động tại đây dù cho có những thời điểm rất khó khăn. Các kế hoạch đầu tư vẫn được tiếp tục diễn ra và có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới. ICHAM chưa có thông tin nào về việc một số doanh nghiệp Ý sẽ rút khỏi đây. Họ rất tin tưởng vào Việt Nam cũng như khu vực này. Năm 2020, hiệp định EVFTA đã được ký kết. Điều này sẽ ngày càng thúc đẩy hơn nữa hoạt động của các doanh nghiệp Ý tại Việt Nam.

Hiện nay, chính sách kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được thực hiện tốt đã thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư. Nếu tình hình tiếp tục được kiểm soát như hiện nay, và điều quan trọng là đất nước được mở cửa, chắc chắn, đầu tư FDI của Ý vào Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chóng ngay lập tức. Chúng tôi rất chờ mong Việt Nam mở cửa hoàn toàn, vì chúng tôi đã sẵn sàng đưa các doanh nghiệp vào Việt Nam để có nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Ý hiện diện tại thị trường Việt Nam trong năm 2022.

Ông Guru Mallikarjuna - Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam:

Tiếp tục kế hoạch mở rộng tại Việt Nam trong 5 năm tới

Cơ hội mới để phục hồi kinh doanh  trong năm 2022

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong những năm qua, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA).

Sau năm đầu tiên có hiệu lực, hiệp định đã mang lại những kết quả tích cực cho cả hai bên. Đồng thời, EVFTA đã chứng kiến những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc hợp lý hóa thủ tục hành chính, đầu tư vào quản trị công và năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Những cải thiện này trong môi trường kinh doanh địa phương sẽ rất có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn như việc sớm phê chuẩn và thực hiện Bảo hộ đầu tư của EU - Việt Nam (EVIPA). Đối với các công ty Đức như Bosch, thường chuyên về các ngành công nghệ cao, EVIPA sẽ giúp việc mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam trở nên an toàn và dễ dàng hơn. Với tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển hàng đầu của Tập đoàn Bosch toàn cầu, chúng tôi có lộ trình trong 5 năm tới tiếp tục kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, bằng cách tăng gấp đôi công suất của Trung tâm Phần mềm cùng với việc thành lập một chi nhánh mới tại Hà Nội, mở rộng quy mô sản xuất tại Đồng Nai và thành lập văn phòng công ty tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Hong Sun- Giám đốc Công ty HSDC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM):

Đánh giá cao sự lắng nghe, đồng hành của Chính phủ

Cơ hội mới để phục hồi kinh doanh  trong năm 2022

Năm vừa qua là một năm rất nhiều thử thách và khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng, nhất là sau đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4. Đến quý IV, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dần được khôi phục tốt hơn, đặc biệt là từ khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được thực thi.

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực chống dịch của Chính phủ cũng như sự lắng nghe, đồng hành của Chính phủ với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi trong bối cảnh Covid-19. Trong năm vừa qua, đa số các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn ở lại thị trường Việt Nam, gắn bó với thị trường vì chúng tôi biết Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ (không tính tới yếu tố tác động từ Covid-19) và chúng tôi - các doanh nghiệp Hàn Quốc, rất quan tâm và mong muốn đồng hành cùng sự phát triển này. Điều quan trọng Chính phủ cần làm là đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, đồng thời sớm cho trẻ em quay lại trường học vì trẻ em có quay lại trường học thì cha mẹ các em là nguồn lao động trong các doanh nghiệp trở lại lao động bình thường, các doanh nghiệp mới có thể phục hồi hoàn toàn được. Bên cạnh đó là việc sớm nối lại đường bay thương mại để các nhà đầu tư có thể tới Việt Nam tìm hiểu thị trường tốt hơn.

Hiện tại, tính đa dạng của nguồn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam khá hạn chế và chỉ tập trung vào một số địa điểm nhất định. Trong khi đó, tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn. Vì vậy, hiện các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang chủ động tìm kiếm những cơ hội đầu tư ở các địa phương tại Việt Nam. Với những nỗ lực chống dịch của Chính phủ cũng như sự thay đổi linh hoạt trong chính sách nhập cảnh phù hợp với tình hình mới, tôi hi vọng trong thời gian tới, khi chính sách nhập cảnh mới được thực hiện, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng.