Sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 4, diễn ra từ ngày 11 đến 14/10. Diễn ra ngay trước kỳ họp thứ 2, tại phiên họp này UBTVQH xem xét nhiều nội dung chuẩn bị trình Quốc hội.

Cho ý kiến về lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp thứ 4 UBTVQH sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid- 19; việc lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách chính sách tiền lương; Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Quy hoạch đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.

Kỳ họp chuyên đề
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Bên cạnh đó, UBTVQH sẽ thảo luận, cho ý kiến về: việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và hai năm 2019-2020; việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; việc xử lý tài chính cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế…

Về thời gian chương trình, nội dung, phương thức tổ chức Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội cho biết phiên họp này là phiên cuối để thống nhất phương án tổ chức họp trực tuyến kết hợp trực tiếp và giữa hai đợt họp có thời gian nghỉ để UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Đề xuất một số đổi mới áp dụng ngay tại Kỳ họp thứ 2

Phiên họp thứ 4 cũng là phiên họp cuối để chốt các nội dung trình Quốc hội. Trong trường hợp có nội dung cấp bách, cần thiết có thể báo cáo Quốc hội cho phép tổ chức kỳ họp chuyên đề theo hình thức trực tuyến vào cuối năm, như việc xem xét một luật sửa đổi nhiều luật hoặc quyết định các công trình trọng điểm quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH thảo luận thống nhất việc đề xuất một số đổi mới cần thiết phải áp dụng ngay tại kỳ họp thứ 2 và việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. Trong đó có việc chia tổ thảo luận trong điều kiện họp trực tuyến, biểu quyết trực tuyến… cần được báo cáo Quốc hội xem xét quyết định áp dụng tại kỳ họp thứ 2.

Cùng với đó, để đảm bảo luật hóa việc tổ chức kỳ họp trực tuyến, Quốc hội đang khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới và hoàn thiện, bổ sung các quy định về nội quy của kỳ họp, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 tháng 5/2021.

Sau khi khai mạc, UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.

Liên quan đến việc xem xét một luật sửa đổi nhiều luật, mới đây Chính phủ đã có tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Việc sửa đổi này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phát huy nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19. Nếu không thể trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 thì đến kỳ họp thứ 3 vào giữa năm sau dự án luật nói trên mới được xem xét. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề cập đến phương án có thêm một kỳ họp chuyên đề để Quốc hội xem xét, ban hành một luật sửa nhiều luật nói trên.