Còn nhiều dư địa từ các FTA để phục hồi xuất khẩu cho năm 2024
Đầu tư cho các công đoạn sản xuất xanh để mở cửa thị trường xuất khẩu. Ảnh: TL

PV: Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, trong quý III/2023, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Ông bình luận thế nào về thực tế này?

Còn nhiều dư địa từ các FTA để phục hồi xuất khẩu cho năm 2024
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nhìn chung, điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của nước ta trong quý III/2023, đặc biệt là tháng 9/2023 tốc độ suy giảm trong xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) đã chậm lại so với quý II/2023.

Trong quý III/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý II năm 2023.

Trong 9 tháng, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng (tăng 3,1%). Chúng ta cũng thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đều giảm, nhưng xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng.

Tuy nhiên tôi cho rằng, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng còn lại của năm 2023 còn không ít thách thức do kinh doanh thương mại quốc tế giảm chung. Rõ ràng đây là khó khăn cho DN Việt Nam.

PV: Có nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cho rằng, trong khó khăn, cần quan tâm khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó giúp Việt Nam kéo lại đà xuất khẩu. Ông có đồng thuận với lập luận này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Từ trước đến nay, chúng ta đã ký và triển khai 17 FTA. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương thì Việt Nam mới tận dụng được 30% cơ hội này. Đây là khoảng trống, dư địa lớn mà DN Việt Nam có thể tận dụng.

Bản chất vấn đề là chúng ta đều mong muốn tận dụng được ưu đãi từ các FTA, những khả năng

Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, thông tin thị trường

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để phục hồi xuất khẩu hàng Việt, trong lúc này việc đầu tiên là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại mà cụ thể là vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương, đại sứ quán, tham tán thương mại ở nước ngoài trong việc giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin cho DN nắm bắt thị trường theo nhu cầu của từng quốc gia. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường cảnh báo và hỗ trợ DN trong việc phòng tránh áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

của DN tận dụng đến đâu trên cơ sở đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm, nhu cầu thị trường cụ thể. Hiện nay đang vào thời điểm ký kết hợp đồng của năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi FTA. Khi chúng ta tận dụng được các FTA thì được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, ưu đãi từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan.

PV: Xu thế hiện nay, nhiều thị trường lớn đưa ra các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, bền vững. EU chính thức áp dụng chính sách đánh thuế hàng hóa nhập khẩu ô nhiễm từ ngày 1/10/2023. Đây là thách thức đối với DN xuất khẩu Việt Nam. Vậy, DN Việt Nam cần thay đổi như thế nào để vượt qua rào cản này, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi nhiều quốc gia phát triển đưa ra các hàng rào nhập khẩu mới với lý do môi trường…

Rõ ràng việc bảo vệ môi trường cũng như đánh thuế carbon, khuyến khích sản xuất xanh đang trở thành một trong những xu hướng chủ yếu của thế giới. Để mở cửa được thị trường xuất khẩu, chúng ta phải chú ý đầu tư cho các công đoạn sản xuất xanh, bền vững.

Tôi đơn cử như mặt hàng dệt may có phần liên quan đến yếu tố môi trường và carbon, nên nhất thời hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của nước ta có dấu hiệu chững lại. Đã có khách hàng EU chuyển hướng ký kết với doanh nghiệp dệt may của quốc gia khác, thay vì Việt Nam. Như vậy nếu không nhanh chóng thích ứng thì DN Việt Nam sẽ đánh mất thị trường cũng như lợi thế ưu đãi từ các FTA.

Rút kinh nghiệm từ bài học nêu trên thì các DN trong nền kinh tế quốc dân của chúng ta cần tự mình nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu mà thị trường xuất khẩu đòi hỏi.

PV: Với quan điểm của ông thì ở góc độ Chính phủ, bộ, ngành cần hỗ trợ DN như thế nào trong bối cảnh hiện nay khi xuất khẩu giảm sút, yêu cầu thị trường quốc tế ngày càng khắt khe, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta cần tiếp tục tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc.

PV: Xin cảm ơn ông!